Các nhà khoa học Anh kết hợp với công ty bảo hiểm phát triển một thuật toán nhằm tính ra khi nào một người qua đời dựa trên tiền sử bệnh tật và lối sống.
Các nhà khoa học hướng đến phát triển thuật tán giúp tính toán thời điểm qua đời dựa trên bệnh án và lối sống. (Ảnh: Wales News Service)
Theo Telegraph, Đại học East Anglia (UEA), Anh, đang tiến hành chương trình nghiên cứu 4 năm sử dụng cơ sở dữ liệu y tế khổng lồ (Big Data) để xác định tuổi thọ và bệnh dài ngày. Dự án này nhận được khoản quỹ hỗ trợ 1,1 triệu USD từ Viện Chuyên viên Thống kê và quy tụ các chuyên gia từ tập đoàn bảo hiểm Aviva của Anh.
"Mọi người trên khắp thế giới đang sống lâu hơn", giáo sư Elena Kulinskaya từ Trường Khoa học Vi tính trực thuộc UEA, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết. "Chúng tôi muốn phát triển công cụ phần mềm sử dụng dữ liệu Big Data do cơ quan chăm sóc sức khỏe thu thập định kỳ để dự đoán tuổi thọ".
"Chúng tôi muốn xác định và đánh giá những nhân tố chủ chốt ảnh hưởng tới sự tử vong và tuổi thọ, như lối sống, tình trạng sức khỏe và can thiệp y tế. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu những loại bệnh kinh niên và phương pháp điều trị kèm theo ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ", Kulinskaya nói.
Trong khi nhiều người không muốn biết họ còn sống được bao lâu, nhóm nghiên cứu khẳng định dự án sẽ đem lại những lợi ích thực tế trong lĩnh vực tài chính và y khoa như giúp mọi người lên kế hoạch nghỉ hưu và hiểu rõ tác động của một số loại thuốc đến tuổi thọ. Ngoài ra, dự án cũng rất hữu ích đối với các cơ quan y tế địa phương hoặc công ty bảo hiểm trong việc lên kế hoạch phân bổ nguồn lực và cung cấp gói sản phẩm.