Dự án sông nhân tạo 2.280km giữa sa mạc Sahara

Trải dài 2.820km, mạng lưới đường ống và máng dẫn nước thuộc dự án Sông nhân tạo khổng lồ thường được ví như hệ thống nước dưới lòng đất lớn nhất thế giới.

Bắc Phi nổi tiếng với sa mạc rộng lớn và nguồn tài nguyên nước khan hiếm, tiến hành một trong những dự án cung cấp nước tham vọng nhất cách đây hơn nửa thế kỷ. Dự án Sông nhân tạo khổng lồ vẫn là một công trình thiết yếu đối với hàng triệu người bất chấp nhiều thách thức trong vài năm gần đây. Nguồn gốc của dự án bắt đầu từ năm 1953 khi Libya trải qua cơn sốt dầu. Trong khi tìm kiếm dầu mỏ, các nhà địa chất học phát hiện tầng ngậm nước dưới lòng đất chứa nước cổ, một số có niên đại 38.000 năm. Những hồ chứa nước ẩn sâu bên dưới sa mạc Sahara này cung cấp giải pháp tiềm năng cho vấn đề khan hiếm nước kinh niên của Libya, theo Interesting Engineering.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1969, dự án mới bắt đầu. Cùng với việc đại tá Muammar Gaddafi lên nắm quyền, ý tưởng khai thác tầng ngậm nước thu hút sự chú ý. Gaddafi nhận thấy tiềm năng biến đổi môi trường khô cằn ở Libya và đề xuất dự án Sông nhân tạo khổng lồ với mục tiêu "khiến sa mạc nở hoa".


Đường ống nước dùng trong dự án Sông nhân tạo khổng lồ. (Ảnh: Middle East Institute).

Quy mô dự án

Mạng lưới nối tầng ngậm nước ở phía nam với các trung tâm dân cư lớn dọc bờ biển Địa Trung Hải, bao gồm Tripoli và Benghazi. Về mặt tài nguyên thiên nhiên, công trình giống như một mỏ dầu uống được.

Nước cổ ở Libya chủ yếu nằm ở 4 lưu vực rộng lớn. Lớn nhất trong số đó là lưu vực Kufra gần Ai Cập, trải rộng 350.000km2. Tầng ngậm nước ở đó rộng 200.000 km và sâu 2.000 m. Ở lưu vực Sirte, tầng ngậm nước sâu 600 m có diện tích đá chứa nước vào khoảng 10.000km2. Lưu vực Murzuk bao phủ 450.000km2, với khoảng 4.800km2 đá chứa nước.

Nguồn nước cũng được tìm thấy ở lưu vực Hamadah và Kufrah, kéo dài từ vùng Qargaf Arch và Jabal Sawda tới đường ven biển Địa Trung Hải của Libya. Quá trình xây dựng bắt đầu năm 1984, đánh dấu khởi công dự án nhiều giai đoạn, kéo dài hàng thập kỷ. Thành công đầu tiên đến vào năm 1989 khi nước đổ vào hồ chứa Ajdabiya.

Dự án nhiều giai đoạn

Giai đoạn ban đầu gọi là giai đoạn 1 bao gồm đào 85 triệu m3 đất và lắp đặt đường ống lớn để vận chuyển nước từ vùng As-Safir và Tazerbo tới Ajdabiya, Benghazi, và Sirte. Giai đoạn 2 sẽ bơm nước từ tầng ngậm nước phía tây nam (Fezzan) tới Tripoli và đồng bằng Jeffara. Giai đoạn 3 của dự án hướng tới củng cố cơ sở hạ tầng có sẵn từ giai đoạn 1. Giai đoạn mở rộng này sẽ tăng lượng cung cấp nước hàng ngày thêm 1,68 triệu m3, nâng tổng công suất lên 3,68 triệu m3.

Kế hoạch bao gồm xây dựng thêm 8 trạm và lắp đặt 700 km đường ống mới. Giai đoạn 3 cũng được thiết kế để cung cấp 138.000 m3 nước hàng ngày cho khu vực Tobruk và ven biển. Trong khi dự án đang tiến hành, tác động của nó tới đời sống ở Libya trở nên rõ ràng. Vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, các thành phố vốn chật vật với tình trạng thiếu nước nhận thấy cải thiện rõ rệt. Dự án Sông nhân tạo khổng lồ mang đến nguồn nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân trên toàn quốc.

Thách thức kỹ thuật và chính trị

Dự án vấp phải nhiều thách thức. Từ khi bắt đầu, dự án đối mặt trở ngại nhiều kỹ thuật do quy mô kỹ thuật lớn. Nhu cầu đào giếng sâu, xây dựng đường ống lớn, và bơm nước qua quãng đường dài trong môi trường sa mạc khắc nghiệt đặt ra những khó khăn. Sự cô lập về mặt chính trị của Libya dưới thời Gaddafi cũng góp phần cản trở dự án phát triển. Bất chấp trở ngại, chính phủ Libya vẫn coi dự án này là vấn đề cấp thiết của quốc gia.

Tác động của xung đột chính trị và tình trạng bỏ bê ngày càng rõ ràng. Năm 2019, các báo cáo cho biết 101 trong 479 giếng ở đường ống phía tây bị tháo dỡ. Năm 2020, tình hình trầm trọng hơn khi lực lượng vũ trang đoạt quyền kiểm soát một nhà máy cung cấp nước cho Tripoli. Dù vậy, dự án Sông nhân tạo khổng lồ vẫn giữ vai trò chủ chốt trong cung cấp nước ở Libya, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nước sạch trong nước. Tầm quan trọng của nó đặc biệt nổi bật ở quốc gia không có sông ngòi tự nhiên và lượng mưa khan hiếm.

Tương lai của dự án

Số phận của dự án chưa chắc chắn trong tương lai. Do tình trạng bất ổn tiếp diễn, việc hoàn thành giai đoạn 3 với mục tiêu mở rộng hệ thống, cung cấp nước cho Tobruk và nhiều khu vực ven biển khác, bị chững lại. Giai đoạn 4 nhằm thực hiện đầy đủ quy mô dự án, vẫn chưa bắt đầu. Nhiều năm bỏ bê dẫn tới cơ sở hạ tầng xuống cấp, đòi hỏi công sức sửa chữa và đầu tư bảo trì.

Lo ngại về an ninh tiếp tục cản trở nỗ lực bảo trì, ngăn cản các công ty quốc tế tham gia dự án. Ngoài ra, có nhiều câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn của việc bơm nước từ tầng ngậm nước không thể phục hồi. Tương lai của dự án gắn liền với sự ổn định chính trị và phục hồi kinh tế của Libya. Hoàn thành các giai đoạn dang dở và đảm bảo cơ sở hạ tầng tồn tại lâu dài sẽ đòi hỏi đầu tư lớn từ chính phủ và người dân Libya.

Cập nhật: 11/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video