Trong năm 2012, một số tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An... dự kiến đưa vào sản xuất đại trà giống lúa lai ba dòng CT16.
Giống lúa này do Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Trâm và các cộng sự Trường Đại học Nông nghiệp I nghiên cứu thành công. Đây cũng là giống lúa lai ba dòng đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sản xuất đại trà ở Thanh Hóa.
Hoa lúa (Ảnh minh họa: Flickr)
Theo báo cáo tại hội nghị đầu bờ về giống lúa lai ba dòng CT16 tại xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 11/6, giống lúa này cho năng suất 70 tấn/ha (năng suất cao hơn 5-7% so với giống lúa lai ba dòng Nhị ưu 838 của Trung Quốc); có khả năng chống rét rất tốt, ít bị đạo ôn cổ bông, thời gian sinh trưởng ngắn, ở vụ xuân từ 130-135 ngày, vụ mùa từ 115-120 ngày, thuận lợi cho triển khai sản xuất vụ đông.
Bên cạnh đó, giống lúa này có một số đặc tính như chất lượng gạo, khả năng chống chịu sâu bệnh tương đương với giống lúa lai ba dòng Nhị ưu 838 của Trung Quốc, nhưng có giá thành rẻ hơn.
Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân cho biết giống lúa CT16 đã được đặc cách công nhận giống lúa lai ba dòng mới.
Đến năm 2012, công ty sẽ tổ chức sản xuất 500ha lúa giống này để cung ứng cho bà con nông dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam..., qua đó, giảm dần sự lệ thuộc của các giống lúa lai ba dòng của Trung Quốc.