Có rất nhiều ứng dụng khóa máy nhưng ta vẫn phải tự bật bằng tay, hơn nữa những đứa trẻ tinh ranh có thể tắt được chúng đi.
Sau vụ Paul Logan, cư dân mạng Nhật Bản tiếp tục lên án hai anh chàng làm video prank bắt cóc trẻ em
Xuất hiện loại malware mới trên Google Play với khả năng phát tán quảng cáo nhạy cảm trong các ứng dụng dành cho trẻ em
Sẽ sớm thôi, màn hình cảm ứng của thiết bị thông minh sẽ biết được có phải đứa con 5 tuổi của chủ nhân thiết bị đang ngồi nghịch máy hay không. Dựa vào đó, máy có thể tự động khóa những ứng dụng "cấm trẻ em chưa đủ tuổi" mà không cần tới người lớn can thiệp.
Đó là dự án mà các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Carolina, Mỹ và Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đang ấp ủ. Họ tạo ra một thuật toán phát hiện được rằng ai đang dùng thiết bị, từ đó tránh tình trạng trẻ em nghịch những thứ không nên nghịch.
Hiện tại đã có rất nhiều ứng dụng theo dõi hoạt động trên thiết bị, nhằm kiểm soát con trẻ đang tiếp xúc với những gì trên mạng Internet. Điểm trừ của những ứng dụng này là người dùng phải tự bật nó lên bằng tay hoặc đáng ngại hơn, là những đứa trẻ tinh ranh biết ít nhiều về công nghệ sẽ có thể tự tắt chức năng này. Vì thế, việc xác định độ tuổi tự động sẽ giúp người dùng khóa máy, khóa ứng dụng hiệu quả hơn.
Điều này, suy cho cùng, là tốt cho con trẻ thôi. Chúng chưa đủ khôn ngoan để đối đầu với mạng Internet đầy cạm bẫy và những thứ không phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, khóa ứng dụng để tránh trường hợp lũ trẻ đặt hàng linh tinh trên những trang khác nhau hay đăng nhập vào e-mail, Facebook làm việc của người lớn.
Dự kiến, công nghệ trên sẽ được ra mắt trong tuần này tại Hội nghị Công nghệ Thiết bị di động HotMobile 2018, tổ chức tại Arizona, Mỹ vào ngày 12 và 13 tháng Ba. Hai nhà tài trợ chính sẽ là Intel và Samsung.
Đây là cách thuật toán nhận dạng trên hoạt động:
Các nhà nghiên cứu theo dõi và tìm ra được điểm khác nhau giữa cách quẹt màn hình của trẻ em và người lớn. Bởi lẽ tay trẻ nhỏ bé hơn với những ngón tay ngắn hơn, chúng sẽ chạm được ít diện tích màn hình hơn và có những cú quẹt ngắn hơn. Đa số các trường hợp sử dụng thiết bị di động, lũ trẻ thao tác khá vụng về và chuyển giữa quẹt – gõ không được nhanh.
Để có được những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một ứng dụng đơn giản, cho hai nhóm sử dụng là trẻ em từ 3 tới 11 tuổi và nhóm người lớn từ 22 tới 60 tuổi. Ứng dụng yêu cầu người dùng mở khóa một chiếc điện thoại Android, sau đó chơi một trò chơi liên quan tới số trên đó. Thông tin lưu lại thông qua ứng dụng này gồm các cú gõ, các cú quẹt, áp lực của ngón tay đè lên màn hình.
Bằng những thông tin đó, họ huấn luyện một thuật toán phát hiện tuổi tác với độ chính xác lên tới 84%, chỉ với một cú quẹt của người sử dụng. Sau tám cú quẹt, độ chính xác của thuật toán trên lên tới 97%.
Để có thể có được kết quả chính xác hơn, các nhà nghiên cứu muốn thêm vào cả yếu tố theo dõi chuyển động người dùng nữa (thông tin có thể có được nhờ gia tốc kế có ngay trong thiết bị smartphone). Họ làm vậy là vì kết quả nghiên cứu cho thấy lũ trẻ cầm điện thoại thường run tay hơn người lớn.
Hiện tại, thuật toán trên chưa được áp dụng vào dòng sản phẩm nào nhưng với độ chính xác cao, hiệu quả tốt và tính thiết thực cao với bất kỳ người dùng nào, chắc hẳn đây là một phương pháp quản lý đầy hứa hẹn.