Dùng bom nguyên tử phá vỡ tiểu hành tinh đe dọa Trái đất

Vụ nổ bom nguyên tử không phải giải pháp hàng đầu để bảo vệ Trái đất, nhưng mô hình 3D hé lộ nó có thể tiêu diệt tiểu hành tinh lớn cỡ 100m.

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ quỹ đạo của hầu hết mọi tiểu hành tinh đường kính từ một kilomet trở lên. Theo Megan Bruck Syal, nhà nghiên cứu phòng thủ hành tinh ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, chúng không phải mối đe dọa trong tương lai gần. Thay vào đó, trọng tâm của giới nghiên cứu tập trung vào những tiểu hành tinh tương đối nhỏ, lớn cỡ sân bóng đá, có số lượng cực đông đảo và dễ bị trạm quan sát thiên văn bỏ sót.


Mô phỏng cho thấy phần lớn tiểu hành tinh bị phá vỡ trong vụ nổ. (Ảnh: New York Times)

Một tiểu hành tinh nhỏ như vậy có thể không phải mối đe dọa lớn so với thiên thạch 10km đâm xuống Trái đất cách đây 66 triệu năm. Nhưng thiên thạch phát nổ phía trên Siberia năm 1907 chỉ rộng khoảng 60m, và sóng xung kích từ vụ nổ san bằng khu rừng rộng 2.071km2.

Sử dụng mô phỏng có độ tin cậy cao, các nhà khoa học báo cáo có thể dùng bom nguyên tử một megaton (tương đương 1.000.000 tấn thuốc nổ TNT) để phá hủy tiểu hành tinh dài 100 m. Khoảng 99,9% khối lượng tiểu hành tinh sẽ bị phá vỡ nếu phóng bom nguyên tử vào vật thể ít nhất hai tháng trước thời điểm va chạm với Trái đất theo dự đoán.

Trong điều kiện lý tưởng, giới nghiên cứu có thể nhận dạng tiểu hành tinh bay về phía Trái đất trước nhiều thập kỷ. Khi đó, có thể điều khiển tàu vũ trụ không người lái đâm vào tiểu hành tinh với lực tác động đủ mạnh để chúng bay chệch đường. Biện pháp này sẽ được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm sau trong nhiệm vụ Double Asteroid Redirection Test (DART) của NASA.

Nhưng biện pháp trên không phù hợp với tiểu hành tinh có thể đâm vào Trái đất trong vòng vài năm nữa. Khi đó, việc thay đổi đường bay của nó bằng lực tác động có thể quá chậm trễ. Tiểu hành tinh có thể vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và nhiều mảnh có thể rơi xuống các địa điểm trên Trái đất. Sử dụng vụ nổ nguyên tử để phá hủy tiểu hành tinh sẽ là biện pháp cuối cùng, theo Patrick Michel, chuyên gia ở Đài quan sát Côte d’Azur.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Patrick King, nhà vật lý ở Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins lập mô phỏng 3D để kiểm tra vụ nổ bom nguyên tử có thể cứu Trái đất hay không. King theo dõi tiểu hành tinh 100 m bay về phía Trái đất theo 5 quỹ đạo khác nhau và phóng bom nguyên tử một megaton vào nó trong mô phỏng.

Kết quả cho thấy vụ nổ xảy ra hai tháng trước ngày va chạm dự kiến có thể đảm bảo gần hầu hết mọi mảnh vỡ của tiểu hành tinh không rơi xuống Trái đất. Bất kỳ mảnh nhỏ nào còn sót lại đều sẽ bốc cháy trong khí quyển, theo tiến sĩ Bruck Syal, đồng tác giả nghiên cứu.

Cập nhật: 26/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video