Đứt lìa 1 cánh, tiêm kích F-15 thoát hiểm ngoạn mục: Choáng váng, không thể tin nổi

Khi cố gắng khóa bắn chiếc tiêm kích F-15 kia, phi công A-4 Skyhawk đã cơ động và kéo cao mà không biết rằng chú "Đại bàng" của Nedivi đang bay ở ngay phía trên. Và thế là...

Theo chuyên gia Alex Hollings của trang thông tin quân sự uy tín Sandboxx (Mỹ), mặc dù được đưa vào biên chế gần nửa thế kỷ trước, tới nay tiêm kích F-15 Eagle (Đại bàng) do Tập đoàn McDonnell Douglas chế tạo vẫn đang là một trong những chiến đấu cơ chiếm ưu thế bầu trời mạnh mẽ nhất trên thế giới.

"Đại bàng" có thể không sở hữu những công nghệ tiên tiến như các đàn em thế hệ 5 là F-22 Raptor và F-35 Joint Strike Fighter, nhưng chúng thể hiện được những tính năng mạnh mẽ và ổn định vượt trội, thậm chí tuyệt hảo đến mức một phi công bay trên F-15 đã bay cả chục dặm về hạ cánh an toàn sau khi bên cánh phải bị chém đứt hoàn toàn.


Tiêm kích F-15 của Không quân Israel.

Cú thoát hiểm ngoạn mục của tiêm kích F-15

Vào ngày 01/05/1983, các biên đội chiến đấu cơ thuộc 2 phi đội số 106 và 116 Không quân Israel đã cất cánh làm nhiệm vụ huấn luyện không chiến trên vùng trời khu vực sa mạc Negev với sự tham gia của 2 chiếc tiêm kích F-15D đấu cùng 4 chiếc A-4N Skyhawks đời cũ hơn.

Đây là 1 khoa mục "bảo vệ sân bay", trong đó các F-15 đóng vài trò bên phòng thủ, và A-4 làm nhiệm vụ giả định là đối phương tấn công.

Các máy bay A-4 Skyhawks lúc đó đã lạc hậu, chúng hầu như không đặt ra mối đe dọa đáng kể nào với F-15 trong tình huống 1 chọi 1, nhưng lần này chúng hơn về số lượng và các phi công đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Một trong 2 chiếc F-15 được điều khiển bởi Zivi Nedivi, một phi công vẫn đang trong quá trình huấn luyện bay đề cao, ngồi ở buồng trước, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Yehoar Gal, một phi công F-15 nhiều kinh nghiệm ngồi ở buồng sau.

Tại thời điểm đó, F-15 vẫn còn tương đối mới, chúng vừa được đưa vào biên chế Không quân Mỹ năm 1976 và Israel thì cũng chỉ tiếp nhận không lâu. Trên thực tế, chỉ 1 năm trước đó, Nedivi đã bay F-15 và lập thành tích bắn hạ 4 chiếc MiG trong chiến tranh Li-băng.

Lúc này, theo chuẩn Mỹ, các phi công đang huấn luyện không chiến được yêu cầu duy trì giãn cách nhằm tạo thành một "quả bóng an toàn", chiếc nọ cách chiếc kia 500 feet (152m) hoặc hơn để tránh va chạm xảy ra trong quá trình cơ động ở tốc độ cao khi không chiến quần vòng mà các phi công gọi đó là "Thao diễn không chiến cơ bản".


A-4 Skyhawk (trên) và F-15 (dưới). (Ảnh minh họa).

Không máy bay nào được phép tiến vào "quả bóng an toàn" của chiếc khác và khi 2 chiếc F-15 Không quân Israel được dẫn vào chặn kích các đối thủ A-4 thì việc giữ khoảng cách an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Không lâu trước khi các chiến đấu cơ A-4 Skyhawk và F-15 Eagle lao vào quần nhau trên bầu trời, mỗi bên đều thủ thế và tìm kiếm chiến thắng quyết định.

Sau một thao tác cơ động hoàn hảo, chiếc Skyhawk số 3, số hiệu 374, đã sẵn sàng công kích nhằm vào đồng đội của Nedivi trên 1 chiếc F-15 khác.

Phi công A-4 không nắm được tình huống, lúc đó chiếc F-15 số hiệu Baz 957 của Nedivi đã vào thế từ trên và ở phía sau anh ta và chuẩn bị khai hỏa tên lửa giả định.

Khi cố gắng khóa bắn chiếc tiêm kích F-15 kia, phi công chiếc A-4 Skyhawk đã cơ động và bắt đầu kéo cao mà không biết rằng chiếc "Đại bàng" của Nedivi đang bay ở ngay phía trên vào lúc đó.

Thế là 2 chiến đấu cơ đã va vào nhau. Chiếc A-4 đã va vào bên phải của F-15 nơi cánh nối với thân máy bay. Chiếc A-4 đã tách ra ngay lập tức sau khi va chạm và cho phép phi công đủ thời gian kịp nhảy dù thoát hiểm an toàn.

Trong khi đó, chiếc F-15 mất hoàn toàn bên cánh phải và lập tức rơi vào tình trạng xoáy trôn ốc và lao xuống. Khi Nedivi đang nỗ lực khôi phục lại quyền kiểm soát máy bay thì thầy giáo của anh Gal yêu cầu anh chuẩn bị nhảy dù càng sớm càng tốt, ngay khi tình trạng máy bay ổn định đủ để làm điều đó. Lúc đó, không ai biết tình trạng hư hại khủng khiếp đối với chiếc máy bay của họ.

Nedivi nhớ lại và giải thích: "Tôi đã bật tăng lực, điều đó tạo ra lực cản khi bạn đang xoay vòng lao xuống đất, sau đó thì máy bay đã dần dần ngừng xoáy rồi tôi chậm dãi kéo được mũi máy bay lên trở lại".

Cuối cùng thì máy bay đã ổn định và nhúc nhắc điều khiển được, nhưng quả thực Nedivi cũng vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được rằng hư hại lớn đến mức nào. Khi chiếc F-15 cải bằng được, anh và Gal mới nhìn sang vai phải và nhìn thấy dòng nhiên liệu đang phun trào từ khu vực gốc cánh tạo thành một màn sương mờ.


Ziv Nedivi (trái) và Yehoar Gal (phải) đứng trước chiếc F-15 mất cánh. (Ảnh: IDF).

Bởi vì đám mây nhiên liệu đang trào ra, không ai có thể nhìn thấy hư hại đang ẩn giấu trong đó. Nedivi cố gắng giảm tốc độ, nhưng một lần nữa máy bay lại bắt đầu rung lắc và xoay vòng. Anh, chợt phát hiện một đường băng cách đó 10 dặm và lập tức ra quyết định.

Anh bật tăng lực toàn phần cả 2 động cơ chiếc F-15 một lần nữa, dù biết rằng như thế thì nhiên liệu sẽ hụt nhanh hơn, có thể gọi đó là quyết định dũng cảm, nhưng chỉ như thế thì mới giúp máy bay ổn định và dịch chuyển đúng hướng.

Điều mà cả Nedivi và Gal lúc đó vẫn không biết là sau cú va chạm trên không với chiếc Skyhawk đã khiến nguyên bên cánh phải của chiếc F-15 bị cắt đứt đến tận gốc cánh (sát phần thân).

Chỉ 10 dặm (16km) thôi nhưng tưởng chừng như cả ngàn dặm, 2 phi công đã làm điều không tưởng: Họ đã bay trên 1 chiếc F-15 chỉ bằng 1 bên cánh.

Để giữ máy bay ổn định, Nedivi quyết định duy trì tốc độ cao, dù điều đó càng khiến việc đưa máy bay xuống khó khăn hơn. Anh biết rằng tốc độ hạ cánh chuẩn theo hướng dẫn bay đối với F-15 là 130 hải lý/h (234km/h), tương đương khoảng 150 dặm/h.

Anh cố gắng đưa máy bay hướng xuống đường băng dã chiến, với tốc độ vùn vụt, tới gần 260 hải lý/h (468km/h).

"Tôi đã hạ cánh với tốc độ xấp xỉ gấp 2 lần bình thường. Tôi đã thả móc đuôi và hy vọng nó sẽ giúp giảm tốc, nhưng nó bị giật đứt ngay lập tức".

Chiếc F-15 lao nhanh về cuối đường băng và chỉ đứng lại khi cách chướng ngại vật khoảng 10 m. Khi máy bay dừng lại, Nedivi quay lại bắt tay với Gal và nhận ra bên cánh phải máy bay không còn. Họ đã vượt khoảng 16 km trên chiếc F-15 chỉ còn một cánh, rồi đáp xuống đất an toàn.


Chiếc F-15 mất cánh. (Ảnh: IDF).

Nhà chế tạo F-15 choáng váng, thậm chí không thể tin nổi

McDonnell Douglas rất tự hào về khả năng siêu hạng của F-15 do mình chế tạo, nhưng chính họ cũng choáng váng, không thể tin nổi rằng chiếc "Đại bàng" của Không quân Israel dù chỉ còn 1 cánh mà vẫn thoát hiểm ngoạn mục.

Sau khi nhận được thông tin báo cáo về chuyến bay không tưởng, họ đã cử một đội chuyên gia tới Israel để kiểm tra chiếc F-15 và thực sự chứng kiến điều thần kỳ.

"Ban đầu các chuyên gia này cho rằng đó là điều không tưởng, đây chỉ là một vụ tai nạn ngay trên đường lăn, chẳng thể xảy ra ở trên không. Chỉ đến khi họ phân tích kỹ và kết luận, OK, F-15 có thân rất rộng, nếu bạn bay đủ nhanh, bạn giống như một quả tên lửa. Bạn không cần đến đôi cánh", Nedivi nói.

Sau vụ tai nạn, tiêm kích này được chuyển tới cơ sở bảo dưỡng ở Tel Nof, lắp cánh mới rồi quay lại biên chế không quân Israel. Hai năm sau, tiêm kích F-15 này tiếp tục bắn hạ một chiếc MiG-23 của Syria.

Cập nhật: 17/01/2025 Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video