Bom chân không có thể khiến một người bốc hơi hoàn toàn!
Bom chân không là gì?
Bom chân không (Vacuum bomb) còn được gọi là bom khí dung, hoặc vũ khí nhiệt áp. Đây là một loại bom, đạn hai giai đoạn tạo ra những vụ nổ cực lớn, có tính sát thương rất cao. Loại bom này được phóng bằng tên lửa hoặc đạn pháo. Tên của nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ý chỉ nhiệt và áp suất.
Trong khi hầu hết các loại vũ khí thông thường sử dụng hỗn hợp nhiên liệu và chất oxy hóa để gây nổ, thì những quả bom chân không này gần như bao gồm 100% nhiên liệu và dựa vào oxy trong không khí để phát nổ.
Loại bom chân không này hoạt động theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn một giải phóng một đám mây lớn vật liệu dễ cháy, thường là nhiên liệu hoặc các hạt kim loại nhỏ như nhôm.
- Giai đoạn hai kích hoạt một vụ nổ đốt cháy vật liệu này để tạo ra một quả cầu lửa lớn và một làn sóng xung kích.
Sóng nổ có thể tồn tại lâu hơn đáng kể so với chất nổ thông thường và có khả năng làm bốc hơi cơ thể người, The Guardian thông tin.
Một vụ nổ bom kinh hoàng trong cuộc tập trận chiến lược Caucasus 2016. (Ảnh: Sergei Savostyanov / TASS via Getty Images)
Hiệu ứng giống như gây ra trong các vụ nổ bụi tình cờ ở các mỏ than hoặc nhà máy bột, nơi các hạt dễ cháy bị phân tán đến nỗi khi bắt lửa, chúng tạo ra một vụ nổ lớn.
Các vật liệu được sử dụng cũng thường có độc tính cao và có thể nguy hiểm như vũ khí hóa học.
Sức mạnh của bom chân phát huy hết hay không còn tùy thuộc vào mục tiêu tấn công của nó. Bom chân không không được coi là hiệu quả khi tấn công các mục tiêu được bọc thép dày đặc.
Sức tàn phá khủng khiếp
David Johnson, một đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là nhà nghiên cứu chính tại Rand Corporation (Tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận của Mỹ) cho biết: “Bom chân không là một vũ khí khủng khiếp, có sức tàn phá khủng khiếp", Nbcnews thông tin.
Vũ khí nhiệt áp còn được gọi là bom chân không vì vụ nổ hút hết oxy xung quanh thiết bị. Quá trình này khiến các nạn nhân gần vụ nổ không thể thở được và giết chết họ bằng cách gây ngạt thở. Bên cạnh việc ngạt thở, áp lực từ vụ nổ về cơ bản có thể đè bẹp một người đến chết và gây ra những tổn thương lớn bên trong các cơ quan của cơ thể, chẳng hạn như vỡ phổi.
Tác động của bom chân không mạnh hơn và có sức hủy diệt cao hơn nhiều so với bom thông thường. Vụ nổ của bom chân không thường kéo dài hơn và xảy ra ở nhiệt độ cao hơn nhiều. Do đó, bom chân không có thể tàn phá những vùng đất rộng lớn, phá hủy các tòa nhà và thậm chí có thể làm bốc hơi cơ thể người do nhiệt độ quá cao.
Trong một báo cáo từ tháng 2/2000, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trích dẫn một nghiên cứu của CIA (Mỹ): "Những người ở gần điểm bốc cháy sẽ bị bốc hơi hoàn toàn. Những người ở rìa vụ nổ có khả năng bị nhiều tổn thương bên trong (gọi là tổn thưởng không nhìn thấy được), bao gồm vỡ màng nhĩ, dập nát cơ quan tai trong, dập phổi và mù lòa", DW thông tin