Kính viễn vọng Ariel dự kiến phóng lên không gian năm 2029 với nhiệm vụ chính là nghiên cứu khí quyển của ngoại hành tinh.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chính thức chấp thuận dự án phát triển kính viễn vọng Ariel hôm 12/11. Ariel sẽ nghiên cứu khí quyển ngoại hành tinh để tìm hiểu xem các ngoại hành tinh này hình thành và tiến hóa như thế nào. Giới khoa học hy vọng kính viễn vọng mới sẽ giúp quan sát Hệ Mặt trời trong bối cảnh rộng hơn.
Ariel sẽ phóng lên không gian vào năm 2029, hoạt động ở vị trí cách Trái đất 1,5 triệu km. Khối lượng khi phóng của kính viễn vọng này là 1.500kg. Nhiệm vụ của nó dự kiến kéo dài 4 năm. Chi phí chế tạo Ariel ước tính khoảng hơn nửa tỷ euro.
Kính viễn vọng Ariel dự kiến phóng lên không gian vào năm 2029. (Ảnh: ESA/UCL/RAL Space).
Một trong những thách thức lớn nhất của dự án là chế tạo kính viễn vọng gần như hoàn toàn bằng nhôm, kể cả tấm gương chính kích thước 1,1 m x 0,7 m dự kiến được phủ bạc. Nguyên nhân là Ariel phải hoạt động trong môi trường có nhiệt độ rất thấp, có thể xuống tới -230 độ C.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi chế tạo một kính viễn vọng lớn như vậy bằng nhôm. Bạn gần như chỉ chọn một kim loại để toàn bộ kính viễn vọng cùng co lại khi lạnh. Như vậy, chiếc kính vẫn giữ vững khả năng tập trung dù bị nhỏ lại", tiến sĩ Rachel Drummond, quản lý dự án Ariel tại RAL Space, giải thích.
"Trong tương lai, khi đặt Ariel vào buồng thử nghiệm nhiệt-chân không và hạ nhiệt độ xuống khoảng -230 độ C, chúng tôi mong rằng không có bất cứ sự biến dạng nào, mọi thứ không bị cong hoặc dịch chuyển đến mức ánh sáng mà chúng tôi đang quan sát không thể thực sự đi qua kính", Drummond nói thêm.
Ariel sẽ quan sát khoảng 1.000 ngoại hành tinh trong giai đoạn chính của nhiệm vụ. Nó sẽ theo dõi những thiên thể này khi chúng di chuyển phía trước hoặc sau sao chủ. Thông tin về thành phần hóa học của khí quyển các ngoại hành tinh ẩn chứa trong ánh sáng phát ra từ những ngôi sao. Ariel sẽ khai thác thông tin này nhờ những kỹ thuật quang phổ tiên tiến.
Ariel là một trong ba kính viễn vọng nghiên cứu ngoại hành tinh của ESA. Hai kính viễn vọng còn lại là Cheops, phóng lên năm ngoái với mục đích chính là xác định kích thước của những ngoại hành tinh đã biết, và Plato, dự kiến phóng vào nửa cuối thập kỷ này. Nhiệm vụ của Plato là phát hiện và mô tả những hành tinh đất đá giống Trái đất.
Nhóm dự án Ariel có chính sách khoa học cởi mở và các dữ liệu sẽ được công bố ngay cho cộng đồng khoa học lớn hơn. Họ hy vọng điều này giúp đẩy nhanh việc đúc kết thông tin từ nhiệm vụ.
"Ariel sẽ góp phần đưa khoa học hành tinh vượt xa ranh giới của Hệ Mặt trời. Việc chấp thuận dự án Ariel giúp tăng cường sự gắn kết của ESA với công cuộc nghiên cứu ngoại hành tinh, đồng thời đảm bảo các nhà thiên văn châu Âu sẽ ở vị trí hàng đầu về lĩnh vực này trong thập kỷ tới và xa hơn nữa", Günther Hasinger, giáo sư tại ESA, chia sẻ.