Đó sẽ là một ngày đáng buồn cho giới thiên văn học.
Trước khi Trung Quốc chế tạo Sky Eye, danh hiệu kính viễn vọng lớn nhất thế giới thuộc về Arecibo ở Puerto Rico, một vùng lãnh thổ của Mỹ ở biển Caribe.
Đài thiên văn Arecibo là một kính viễn vọng vô tuyến có đĩa phản xạ chính rộng 305 m và một nhà tròn nặng 75 tấn là nơi chứa các bề mặt phản xạ thứ hai, cũng như các máy phát radar và máy thu vi sóng. Một trong những nhiệm vụ chính của Arecibo là thu nhận sóng vô tuyến từ các thiên thể khác nhau trong vũ trụ. Tuy nhiên, nó đã bị hư hỏng cấu trúc nghiêm trọng khi một sợi cáp bị hỏng vào tháng 8 vừa qua, và tình hình chỉ càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Đĩa phản xạ của Đài quan sát Arecibo bị hư hỏng do đứt cáp.
Và cuối cùng hôm qua 19/11, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đã đưa ra tuyên bố sẽ bắt đầu kế hoạch ngừng hoạt động của kính viễn vọng này, kết thúc 57 năm phục vụ của nó.
"Quyết định được đưa ra sau khi NSF đánh giá nhiều báo cáo của các công ty kỹ thuật độc lập cho thấy cấu trúc kính viễn vọng có nguy cơ hỏng hóc nghiêm trọng và dây cáp của nó có thể không còn khả năng mang tải trọng mà chúng được thiết kế để hỗ trợ", NSF cho biết trong một tuyên bố.
Một vết nứt lớn trong đĩa phản xạ của Đài quan sát Arecibo có thể nhìn thấy trong hình ảnh chụp vào tháng 11/2020.
Vấn đề không chỉ bởi dây cáp bị đứt hồi tháng 8 mà một đoạn cáp thứ 2 cũng đã hỏng vào đầu tháng 11. Đây là một dây cáp chính và việc bị đứt đã khiến nó rơi vào đĩa phản xạ, làm hỏng cả một phần đĩa và các dây cáp khác gần đó. Các dây cáp được thiết kế để hỗ trợ một bệ nặng 900 tấn treo ở độ cao 137 mét phía trên đĩa phản xạ.
"Mỗi sợi cáp còn lại của cấu trúc hiện đang chịu nhiều trọng lượng hơn trước, làm tăng khả năng xảy ra các sự cố cáp khác, dẫn đến sự cố sập toàn bộ cấu trúc", Đại học Central Florida cho biết trong một tuyên bố hôm 13/11. Đơn vị này là bộ phận quản lý cơ sở vật chất cho Quỹ Khoa học Quốc gia.
Đài thiên văn Arecibo từng được sử dụng là bối cảnh trong một cảnh chiến đấu kịch tính trong bộ phim GoldenEye năm 1995. Nó cũng xuất hiện trong bộ phim Contact năm 1997 của Jodie Foster cũng như nhiều sản phẩm điện ảnh khác. Nhưng di sản thực sự của Arecibo nằm ở nhiều khám phá khoa học mà nó có thể thực hiện được. Đài quan sát này đã giúp khám phá các ngôi sao, mở rộng kiến thức của chúng ta về Sao Thủy, phát hiện các hành tinh mới và tìm thấy các vụ nổ vô tuyến nhanh (Fast radio burst).
Nhiều nhà khoa học đã lên Twitter để chia sẻ niềm thương tiếc với đài thiên văn Arecibo.
"Đây là một cú đấm lớn về mặt khoa học. Sự kết thúc của một kỷ nguyên", nhà khoa học hành tinh Tanya Harrison cho biết.
"Tôi rất ngạc nhiên khi chúng ta đang mất Arecibo. Ngay cả khi bạn không chú ý nhiều đến thiên văn học trên mặt đất, bạn cũng biết chiếc kính thiên văn này từ phim và văn hóa đại chúng. Nó ở một vị trí nào đó rất đặc biệt", nhà địa vật lý thực địa Mika McKinnon đã tweet.
Kế hoạch ngừng hoạt động của NSF sẽ tập trung vào kính viễn vọng trong khi cố gắng bảo tồn các cấu trúc đài quan sát xung quanh. Tổ chức này cho biết: "Khi tất cả các bước chuẩn bị cần thiết đã được thực hiện, kính viễn vọng sẽ được tháo rời một cách có kiểm soát".