Những người dân sống quanh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định) đã thoát khỏi nguy cơ phơi nhiễm với chất da cam/dioxin.
>> Mỹ tham gia xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng
>> Phơi nhiễm dioxin: Nguy cơ sinh con dị tật gấp 14 lần
Sân bay Phù Cát và Biên Hòa đã thoát khỏi nguy cơ phơi nhiễm chất dioxin
Ngày 19/3, ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) cho biết, từ năm 2010 đến 2014, dự án đã thu gom, chôn lấp an toàn bằng công nghệ tiêu chuẩn quốc tế hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định).
"Với kết quả này, sân bay Phù Cát và khoảng 47.000 người sống ở khu vực lân cận đã thoát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin ở Việt Nam. Ban chỉ đạo đã bàn giao lại cho Bộ Quốc phòng quản lý", ông Sơn nói.
Hồ nước trong sân bay Biên Hòa, nơi được xem có nồng độ nhiễm dioxin rất cao. (Ảnh: Hoàng Trường).
Hai "điểm nóng" khác về dioxin còn lại là Biên Hòa (với khoảng 120.000 người sống ở khu vực lân cận) và Đà Nẵng cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, sân bay Biên Hòa có khối lượng đất trầm tích nhiễm dioxin lớn nhất. Năm 2009, khoảng 94.000 m3 đất và trầm được chôn lấp an toàn và hiện còn khoảng 160.000 m3 đất và trầm tích chờ xử lý.
Dù chưa xử lý triệt để, nhưng dự án đã ngăn chặn việc lan tỏa dioxin từ sân bay Biên Hòa ra khu vực xung quanh, đồng thời khuyến cáo người dân những biện pháp tránh phơi nhiễm mới.
Còn tại sân bay Đà Nẵng, gần 73.000 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin đang và sẽ được xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt tại mố, dự kiến hoàn thành năm 2016. Dự án đang chờ kết quả xử lý giai đoạn 1 trong năm 2014 với 45.000 m3 đất nhiễm dioxin.
Được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, dự án trên được thực hiện từ năm 2010 đến 2014, với tổng kinh phí hơn 5 triệu đôla Mỹ, nhằm giảm thiểu tác hại của dioxin với hệ sinh thái và sức khỏe con người ở ba sân bay trên.