Nhóm nghiên cứu do giáo sư Hiroshi Kiyono thuộc khoa nghiên cứu miễn dịch, Trường đại học Tokyo đứng đầu, đã công bố việc phát triển một loại gạo có chứa vaccine chữa bệnh dịch tả. Tiến bộ này có thể sẽ giảm bớt khó khăn cho việc phân phối vaccine ở những quốc gia đang phát triển trong thời gian sắp tới.
Gạo là loại thực vật mới nhất được nghiên cứu cho việc mang vaccine. Đây là một phát kiến quan trọng ở những quốc gia còn yếu kém về mặt y khoa do thiếu kỹ thuật đông lạnh phục vụ cho việc lưu trữ vaccine lâu dài.
Các loại vaccine tiêm thông thường không tạo được phản ứng miễn nhiễm ở những nơi có màng nhầy trong cơ thể. Do vậy loại vaccine mới này sẽ có tác dụng tốt trong việc chống lại tác nhân gây nhiễm thông thường qua màng nhầy, ví dụ virus dịch tả, E. coli, virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, virus cúm và SARS.
David W. Pascual, một nhà sinh học phân tử ở Đại học Montana, cho biết các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã có thể tạo ra phản ứng miễn nhiễm ở chuột, đồng thời tránh phản ứng dị ứng với chính loại gạo này.
Ngoài ra, loại gạo chuyển hoá gen này có thể được trữ ở nhiệt độ thông thường mà không gặp nguy cơ nhiễm khuẩn.
Mặc dù thế, việc sử dụng loại gạo được biến đổi để tạo nên phản ứng vaccine không có nghĩa rằng đây là loại vaccine ăn được. Các nhà khoa học không muốn công chúng nghĩ rằng ăn gạo này sẽ được chủng ngừa.
Thay vào đó, vaccine này sẽ được cung cấp dưới dạng viên nhộng hoặc viên nén có chứa bột gạo và được xem là thuốc chứ không phải thực phẩm.
Sau thành công trên loài chuột, người ta cho rằng cần phải có những cuộc nghiên cứu căn bản khác nữa và hy vọng sẽ kiểm nghiệm vaccine này trên loài linh trưởng trong thời gian sắp tới.
Huyền Trinh