Tự nhận mình làm khoa học để tạo ra niềm vui và đem lại lợi ích cho cộng đồng, TS Nguyễn Bá Hải khẳng định, có hỗ trợ của ngân sách nhà nước sẽ tốt hơn, nhưng nếu không có anh vẫn sẽ làm.
Tiến sĩ 8x thuyết phục được Thủ tướng đầu tư dự án kính mắt thần cho người khuyết tật
Những người có mặt trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có lẽ đều ấn tượng với tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Là người phát biểu cuối cùng nhưng phần phát biểu của Hải lại là phần phát biểu làm “nóng” cả hội trường khi được Thủ tướng quan tâm nhất.
Khi nghe TS Hải nói về chiếc kính mắt dành cho người khiếm thị có tên là “Mắt thần” mà Hải đang làm, Thủ tướng đã ngắt lời, đề nghị Hải nói kỹ hơn về sản phẩm này. Cuộc đối thoại thú vị giữa Thủ tướng với vị tiến sĩ sinh năm 1983 đã khiến Thủ tướng quyết định sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho dự án sản xuất 100 ngàn kính Mắt thần.
Phần trình bày thú vị của Hải về kính Mắt thần cho người khiếm thị đã giúp Hải nhận được sự hỗ trợ của Thủ tướng cho dự án của mình. (Ảnh: Lê Văn).
Thật ra, không phải tới buổi gặp mặt của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ Nguyễn Bá Hải mới “nổi tiếng”. Từ 4-5 năm trước, vị tiến sĩ 8X đã được nhiều người biết tới với những dự án khoa học công nghệ hướng tới cộng đồng như dự án lớp học 1 USD, mắt kính cho người khiếm thị, cửa hàng cà phê 1m2,…
Tôi gặp Hải vào buổi sáng ngay sau ngày diễn ra buổi gặp mặt của Thủ tướng, khi mà tên anh đang làm nóng trang nhất của các tờ báo như một hiện tượng lạ, thế nhưng, nhịp sống của anh như vẫn vậy. Bận rộn nhưng luôn vui vẻ.
Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài trong khoảng thời gian đủ để ăn một bát phở và uống 2/3 ly cà phê giữa hai chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cú điện thoại gọi đến. Người gọi tới chúc mừng, người đề nghị anh chia sẻ tài liệu, cũng có người bạn hẹn Hải chỉ để chuyện phiếm.
Hải nói rằng, với anh, niềm vui, sự vui vẻ trong cuộc sống là quan trọng nhất và việc làm khoa học là cách để anh có được niềm vui đó. Hải thừa nhận mình là người bận rộn nhưng anh là người làm chủ thời gian của mình vì không phải chạy theo quá nhiều mục tiêu, dự án, chương trình, ngân sách.
“Mình không đặt mục tiêu làm khoa học bằng mọi giá. Bởi như vậy sẽ rất căng thẳng, rất áp lực”, Hải nói. Chính vì thế, với Hải, anh làm khoa học vì tình yêu chứ không phải bằng áp lực. “Làm khoa học mà cuộc sống không đẹp thì không vui được”.
Tự nhận mình là một người làm khoa học chỉ vì đam mê, vì muốn được dấn thân chứ không phải là để được khen thưởng, hỗ trợ hay là loại “có thuê mới làm”, Hải nói rằng, anh đã từ chối những công việc ngàn đô để được làm công việc mình thích.
Với Hải, có được sự hỗ trợ của Nhà nước hay không với anh không quan trọng. Hải so sánh ngân sách Nhà nước “giống như bầu sữa mẹ, hút nhiều nó sẽ cạn kiệt dần”. Do đó, Hải không chờ ngân sách Nhà nước mới làm khoa học.
Hải gọi các nhóm nghiên cứu của mình là “nhóm nghiên cứu nhà trọ” và khẳng định rằng, có thứ gì bán được để phục vụ việc nghiên cứu khoa học, anh đều có thể bán. Cho tới hiện tại, Hải và vợ con vẫn “sống nhờ nhà bố mẹ vợ”.
Chỉ thích một nửa của Steve Jobs
Hải nói rằng, khoa học với anh là làm được điều gì đó có lợi cho cộng đồng, để cuộc sống đẹp hơn. (Ảnh: Lê Văn).
Vị tiến sĩ 8X chia sẻ rằng, thứ khoa học mà anh theo đuổi là thứ khoa học gắn với tình người, thứ khoa học đặt tính nhân bản, nhân văn lên vị trí số một. Hải muốn thông qua khoa học làm được cái gì đó có lợi cho cộng đồng, làm sao để cộng đồng thấy ấm áp hơn.
“Đấy là lý do mình làm ra những sản phẩm như kính mắt cho người mù, lớp học 1 đô la hay máy pha cà phê để những người nghèo có thể khởi nghiệp được”, Hải chia sẻ. Vì thế, Hải nói rằng, anh rất thích Steve Jobs nhưng chỉ thích ông một nửa, “nửa con người công nghệ” chứ không phải “nửa con người xã hội” nơi ông.
Nói về ý tưởng làm chiếc kính Mắt thần cho người khiếm thị, Hải nói, hồi còn là sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Hải là lớp phó học tập phụ trách khoa học. Khi đó, Hải và các bạn mình muốn làm băng nói cho người khiếm thị, nhưng chưa xong thì Hải lên đường đi du học thành ra Hải luôn cảm thấy như mình vẫn còn mắc nợ họ.
Đến khi du học trở về, công tác tại trường, Hải nảy ra ý tưởng làm một chiếc kính mắt thông minh để giúp những người mù tránh được các vật cản. “Ban đầu, mình nghĩ rằng, sao không coi những người khiếm thị giống như robot trên Mặt trăng, họ cũng đi lại, cũng tìm cách né những vật cản. Thế là bắt tay vào làm…”.
Chiếc mắt thần phiên bản đầu tiên Hải làm nặng tới 20kg với chi phí lên tới hơn 20 triệu. Sau 4 năm, 9 phiên bản, giờ đây chiếc kính đã rất nhỏ gọn chỉ còn 200 gram với giá 2 triệu đồng. Trong những năm qua, Hải cùng công ty phi lợi nhuận của mình cũng đã tặng được gần 1.000 chiếc kính cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn.
Tôi hỏi anh rằng, nếu cái gì anh cũng làm cho cộng đồng, làm miễn phí như Mắt thần thì tiền đâu nuôi vợ con, Hải cười nói rằng, anh vẫn đi dạy ở trường, có lương và lương đó anh “dư dùng”.
“Chỉ ăn với làm nghiên cứu thì thời gian đâu mà tiêu hết tiền”, Hải đùa, anh nói rằng, nếu chỉ đi làm vì tiền thì có thể anh được 2-3 trăm triệu một tháng, nhưng làm những điều mình thích mà lương 2-3 mươi triệu một tháng là được rồi. “Công việc của mình hiện giờ nói rằng để giàu sang, mua nhà mua cửa thì chưa nhưng để sống thì vẫn sống tốt”, Hải chia sẻ.
Hợp tác càng nhiều càng tốt
Cuộc trò chuyện bền lề của TS Nguyễn Bá Hải với Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Lê Văn).
Hỏi Hải về thực trạng của nền khoa học công nghệ nước nhà, anh nói rằng, có lẽ rào cản lớn nhất chính là việc những người làm khoa học và các đơn vị đặt hàng mà theo Hải là các doanh nghiệp chưa kết nối được với nhau.
Hải cho rằng, việc các nhà khoa học không tạo ra được nhiều sản phẩm là do thiếu sự chủ động giữa hai bên. Trong khi doanh nghiệp nhiều khi mất niềm tin với nhà khoa học thì các nhà khoa học Việt Nam lại chưa chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để trình bày ý tưởng của mình.
Tôi tin những điều Hải nói là những gì anh thật lòng trăn trở và suy nghĩ. Bởi lẽ, tôi đã tận mắt chứng kiến Hải chủ động tìm các cơ hội kết nối và hợp tác như thế nào.
Trong chuyến thăm Viettel và FPTSoftware tại Khu CNC Hòa Lạc vào buổi chiều ngày 11/9, Hải là người duy nhất trong số 70 nhà khoa học trẻ chủ động có cuộc nói chuyện bên lề với Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel để chia sẻ về những ý tưởng cũng như cơ hội hợp tác.
Hải tiết lộ với tôi rằng, Tổng Giám đốc Viettel sau đó đã quyết định có một cuộc làm việc riêng với anh vào ngay buổi chiều ngày hôm sau. Cuộc trao đổi có thể không giúp Hải có bản hợp đồng cụ thể nào, tuy nhiên, chắc chắn sẽ mở ra cho anh nhiều ý tưởng và cơ hội.
“Cuộc sống phải chủ động, đừng chờ, phải chủ động kết nối, phải xòe bàn tay thì người ta mới nắm được chứ cứ nắm tay thì ai nắm được”, Hải nói. “Mọi người cứ sợ thiệt, sợ mất ý tưởng chứ mình thì không sợ. Hợp tác càng nhiều càng tốt”.
Thực tế, những người đam mê khoa học tới mức “bán tất cả” như Hải không phải là thiếu. Tôi đã gặp không ít nhà khoa học không quan tâm tới bất cứ điều gì ngoài nghiên cứu. Tuy nhiên, những người làm khoa học với tinh thần chủ động, dấn thân và thậm chí là liều lĩnh với một mục tiêu rõ ràng như Hải quả thực không nhiều.