Tự động hóa Việt Nam trước thềm WTO

Tôi vẫn nhớ như in lời phát biểu của PGS. Nguyễn Bính trong hội nghị đại biểu cựu sinh viên ngành Tự động hóa (TĐH) - ĐHBK Hà Nội (ngày 17/9/2006): "Tự động hóa  Việt Nam trước thềm WTO cũng như một dòng sông chuẩn bị chảy vào biển lớn. Sẽ có rất nhiểu cơ hội cho chúng ta nhưng nếu chúng ta không biết làm ăn, chúng ta sẽ bị bão hòa và chìm nghỉm". Tôi hiểu đó là những lời tâm huyết của thày, một người đã từng có rất nhiều năm gắn bó với ngành TĐH Việt Nam, từ ngày nó chỉ là "5 gian nhà lá" ở trường ĐHBK như lời thày nói. Và tôi cũng hiểu rằng, trong vận hội mới sẽ không có cơ hội cho những ai không biết thẳng thắn nhìn lại mình, từ đó thay đổi mình để vươn lên.

Thách thức rất nhiều

Cánh cửa vào WTO gần như đã mở rộng trước mắt ngành TĐH Việt Nam. Trong buổi làm việc gần đây giữa đại diện Autonics Việt Nam, và lãnh đạo tập đoàn CommanD Automation, sau những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kinh doanh giữa 2 bên, Mr.Lee hỏi lãnh đạo CommanD "Ông nghĩ gì về WTO và Tự động hóa Việt Nam?". Lãnh đạo CommanD chia sẻ với Mr.Lee súc tích và ngắn gọn bằng cụm từ "more challenge and more Chance” (Thách thức nhiều hơn và cơ hội nhiều hơn). Tuy nhiên, khi đề cập chi tiết hơn, Mr.Lee rất lo ngại khi các hãng TĐH nước ngoài sẽ mở các công ty Thương mại của mình tại thị trường Việt Nam tức là họ sẽ tiến hành bán hàng trực tiếp mà không thông qua trung gian. Như vậy chỗ đứng của các đại lý phân phối sản phẩm sẽ như thế nào?.

Từ hôm nay 07-11, cờ VN sẽ tung bay cùng cờ của 149 thành viên khác tại trụ sở WTO của Genever (Thụy Sĩ) (Ảnh AFP)

Thực tế, hãng Siemens cũng đã có công ty tại Việt Nam nhiều năm trước đây, nhưng hệ thống đại lý phân phối sản phẩm vẫn tồn tại. Cho đến thời điểm hiện nay, Văn phòng Siemens Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ hướng tới các dự án (cũng có thể trước WTO, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam không khuyến khích các công ty thương mại có 100% vốn nước ngoài hoạt động). Tuy nhiên tình hình sẽ thay đổi sau khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO. Nhiều "đại gia" TĐH sẽ triển khai phương thức bán hàng trực tiếp thay vì bán hàng qua kênh trung gian như hiện nay vì Việt Nam là thị trường tương đối nhỏ. Đến lúc đó, các hãng lớn như Siemens liệu có đứng ngoài cuộc nữa ko?

Cũng chưa thể biết trước được những sự thay đổi của thị trường TĐH, nhưng chắc chắn thương mại trong ngành TĐH sẽ phải đứng trước thử thách về sự cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay, thị trường TĐH của chúng ta còn khá "đóng" trên phương diện thông tin nên khách hàng không có nhiều cơ sở để lựa chọn hàng hóa và dịch vụ cho mình. Dung lượng thị trường còn nhỏ, một phần do có ít dự án đầu tư và ảnh hưởng của "sự co giãn của cầu". Vốn của các công ty thương mại TĐH còn hạn chế, lượng nhập hàng còn thấp... Tuy rằng hiện nay một số hãng còn trợ giá cho thị trường Việt Nam (như Siemens) nhưng khi đã gia nhập WTO điều đó liệu sẽ còn có thể tồn tại. Đứng trước chúng ta là các công ty thương mại có đầy đủ tiềm năng và kinh nghiệm với hàng chục năm hoạt động tại Singapore, Thái Lan... sẵn sàng đợi giờ G để tiến vào thị trường Việt Nam. Như vậy đây hoàn toàn là một thách thức không nhỏ với ngành TĐH Việt Nam vốn đang còn non trẻ.

Cơ hội không nhỏ

Rõ ràng hiện nay, quan điểm "more challenge and more Chance" đang được chúng ta đưa ra bàn luận làm định hướng chung rất nhiều ngành kinh tế. Trong ngành TĐH, với những đặc trưng riêng của ngành, các công ty đều đang tích cực chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập WTO. Các cơ sở phân phối của các hãng lớn như Siemens, ABB,... cũng đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, củng cố mạng lưới đại lý và nhà cung cấp giải pháp của họ.

Như vậy có lẽ, thách thức lớn nhất đối với các công ty TĐH của Việt Nam sau khi gia nhập WTO là các đối thủ trong khu vực đến từ Thái Lan, Singapo, Malaysia,... Họ là các nhà tích hợp hệ thống rất có năng lực và kinh nghiệm, có đội ngũ kỹ thuật, quản lý tốt, phong cách làm việc chuyên nghiệp... Tuy nhiên để vào thị trường (khá đóng) của ta họ cũng cần sự hỗ trợ rất nhiều của các cá nhân hay công ty Việt Nam. Chính vì vậy, không phải là không có cơ hội cho các công ty TĐH của Việt Nam. Nếu các công ty của chúng ta biết điều chỉnh chiến lược phát triển, chú ý nhiều hơn nữa đến việc lập kế hoạch kinh doanh, xác định mục tiêu, định hướng rõ ràng và chuyên nghiệp hóa cách làm việc (quản lý nhân sự, quản lý dự án, quản lý makerting, xây dựng và đào tạo các kỹ thuật viên,...) cộng với các mối quan hệ và hiểu biết thị trường bản địa, chắc chắn chúng ta sẽ cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Đây cũng là một cơ hội rất tốt cho các kỹ sư của chúng ta muốn làm việc cho một môi trường chuyên nghiệp, hiện đại của các công ty nước ngoài.

Một trong các vấn đề không nhỏ mà các công ty TĐH trong nước sẽ phải đương đầu là vấn đề nhân lực. Hiện nay, khi chưa có mặt một cách ồ ạt của các công ty TĐH nước ngoài, thị trường nhân lực TĐH đã rất bất ổn, luôn có sự dịch chuyển cơ học làm mất ổn định các công ty. Nếu sau WTO, sẽ còn thêm rất nhiều yếu tố gây ra sự xáo động này. Vì vậy, bên cạnh các chiến lược khác, chiến lược về nhân lực được các công ty rất quan tâm. Có thể nói CommanD Automation là một tập kinh tế đoàn lớn chuyên về lĩnh vực TĐH rất nhạy bén về vấn đề thị trường. Hướng tiếp cận của CommanD trước thềm WTO là tạo ra mối liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng. Nghe thì không mới nhưng trên thực tế, CommanD vừa xây dựng xong Trung tâm nghiên cứu CommanD-HUI Automation R&D Center. Đây sẽ là nơi đào tạo các kỹ sư tương lai cho CommanD, đào tạo cao học cho kỹ sư đang làm việc ở CommanD. Nơi đây nghiên cứu các sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ CommanD. Ngoài ra, để chuẩn bị cho WTO, CommanD cải tổ triệt để mọi khía cạnh trong hoạt động của mình. WTO luôn là thách thức và cơ hội.

Đâu là hướng đi?

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Cố vấn Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý KTTW trong một lần nói chuyện với một doanh nghiệp về WTO đã nhấn mạnh: vào WTO, doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều và sự thay đổi cần được bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất.

Ông Doanh dẫn chứng, khi doanh nghiệp nhận được một bức thư của một đối tác, các bạn phải trả lời ngay; dù đó là đối tác chưa bao giờ gặp nhau, lời đề nghị không hấp dẫn hay bản thân chưa giải quyết được cũng phải có hồi đáp; nếu không, đối tác sẽ cho rằng bạn không tồn tại.

Những vấn đề lớn cũng được ông Doanh cụ thể trong nhưng câu chuyện khá đơn giản. Một chị bán vịt ngoài chợ cố gắng nhồi thêm được 3 lạng bánh đúc vào diều con vịt trước khi bán, một doanh nghiệp tiêm hoá chất vào tôm để thêm nặng ký, một nông dân xù hợp đồng với đối tác để bán mía, tôm ra thị trường kiếm chênh lệch giá... tất cả những hành vi này cần phải loại bỏ trong thời gian sớm nhất.

Đơn giản là WTO sẽ trừng phạt không thương tiếc những ai phạm luật. Không còn khả năng "" và không có thế lực nào có thể che chở được. Những doanh nhân chỉ biết kiếm lời bằng cách "chạy mánh" nơi anh Bảy, chị Tám thay cho đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhân lực, tổ chức lại doanh nghiệp sẽ sớm cảm thấy ngọn gió nóng từ các đối thủ cạnh tranh mạnh và đúng luật. Và các anh Bảy, chị Tám lớn nhỏ nọ sẽ không thể chỉ bảo được WTO để tiếp tục ưu đãi, bảo hộ các doanh nghiệp đó nữa.

WTO sẽ thay đổi sâu sắc nếp nghĩ, thói quen, hành vi của doanh nhân, quan chức theo hướng văn minh, tiến bộ hơn và ai chậm hơn thì đành chấp nhận uống nước đục, ông Doanh nhấn mạnh.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đa số doanh nghiệp nước ta là quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ngay cả những doanh nghiệp lớn ở trong nước cũng chưa có tên trong danh sách 1000 doanh nghiệp lớn của Châu Á. Trong khi đó, vào WTO chúng ta phải cắt bỏ thuế quan, bỏ các hạn chế định lượng, bỏ các khoản trợ cấp ưu đãi không phù hợp, mở cửa 110/115 ngành dịch vụ, chấp nhận các nguyên tắc về đối xử quốc gia... Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ không còn là mảnh đất riêng của doanh nghiệp Việt Nam nữa.

Vì vậy, ông Doanh cho rằng, để vươn ra xa và giữ được thị phần trong nước, thách thức lớn nhất không nằm ở đối thủ mà chính ở bản thân chúng ta. Đối thủ có thể mạnh nhưng nếu ta tự đổi mới, năng động, hiểu biết, tài trí, hợp tác đoàn để có thể ứng phó. Thách thức lớn nhất là không biết người biết mình, bám vào những thói quen và đặc quyền, đặc lợi lỗi thời mà WTO không còn cho phép nữa.

Lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là cần nhanh chóng liên kết lại. Mỗi doanh nghiệp và mỗi người hãy tự phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu, cơ hội, thách thức của mình, tự vạch ra một chương trình hành động để vươn lên gia nhập WTO.

Ông Doanh nói, doanh nghiệp hãy thay đổi quan niệm, thay vì ai thắng - ai thua, các doanh nghiệp hãy hướng tới việc cả hai cùng chiến thắng (hợp tác win - win) và đôi bên cùng có lợi.

Bà Phạm Chi Lan (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ) cũng gửi tới một doanh nghiệp một lời tư vấn khá cụ thể, các ngành dịch vụ là ngành rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế nước ta bị xếp vào hàng lạc hậu mà một trong những nguyên nhân là tỷ lệ dịch vụ trong nền kinh tế còn thấp. Một minh chứng cho tầm quan trọng của dịch vụ là trong 28 đối tác đàm phán song phương, chỉ có gần một nửa yêu cầu đàm phán về dịch vụ, hầu hết trong đó là những nền kinh tế phát triển như: Mỹ, EU, Canada... và một trong những nguyên nhân đàm phán với Mỹ khó khăn và kéo dài chính là vấn đề dịch vụ.

Vì vậy, bà Lan cho rằng, trước hết, các doanh nghiệp hãy gia tăng hàm lượng dịch vụ trong mỗi sản phẩm của mình bằng cách đi kèm với mỗi sản phẩm là các dịch vụ chăm sóc bảo hành và chăm sóc sản phẩm để đến gần hơn với khách hàng. Doanh nghiệp không nên quá quan tâm đến sản xuất mà quên đi dịch vụ.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ là cực kỳ quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trên thực tế, đây là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế còn ở trình độ thấp của chúnh ta. Khi chúng ta phải mua công nghệ hiện đại, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn được đặt lên hàng đầu. Gần đây, Chính phủ thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện bảo hộ trí tuệ, với mong muốn hình thành một thói quen văn minh: tôn trọng tài sản chất xám.

Trong một bài viết gần đây, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự - Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam đã tâm sự rất thật: "Chúng ta muốn có thị trường toàn cầu, chúng ta phải mở cửa". Gia nhập WTO để phát triển nhưng không có nghĩa gia nhập WTO là chúng ta giàu có lên ngay hay chúng ta nghèo đi mà đó là một cơ hội. Chúng ta tranh thủ được cơ hội thì chúng ta giàu có. Chúng ta vượt qua thách thức chúng ta có cơ hội mới. Tranh thủ được cơ hội này và chấp nhận vượt qua thách thức chúng ta sẽ đưa nền kinh tế phát triển lên trình độ cao hơn nhưng cũng đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các bộ ngành, đặc biệt là sự lao động sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau để chúng ta mạnh hơn và phát triển nhanh hơn.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng, thách thức và cơ hội đan xen và chuyển hoá lẫn nhau, không ở trạng thái tĩnh mà luôn luôn chuyển động. Nếu có quyết tâm, chính sách khôn ngoan thì cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. Nếu kém hiểu biết, bám lấy thói quen cũ không còn thích hợp thách thức sẽ lớn hơn cơ hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bây giờ không còn là lúc để bàn đến chuyện gia nhập WTO khi nào, đến chuyện được và mất, đến những cơ hội và thách thức mà phải bắt tay ngay vào việc thay đổi, nâng cao khả năng cạnh tranh, khắc phục bằng những điểm yếu trên trên, tìm những giải pháp phát triển tốt nhất khi tham gia vào thị trường khổng lồ 6 tỷ dân kèm thao sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới.

Có 3 điểm yếu căn bản nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta nói chung và ngành nói riêng đó là: Chuyên môn hóa, cơ sở hạ tầng thông tin (chưa linh hoạt) và các hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Cũng nằm trong guồng quay chung, TĐH Việt Nam trước thềm WTO cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và cơ hội. Khó khăn thì rất nhiều nhưng nếu chúng ta biết nắm lấy cơ hội vượt qua thách thức thì chúng sẽ thành công. Và biết đâu, chính trong những khó khăn chúng ta lại càng nhìn rõ mình hơn để chấn chỉnh, hoàn thiện chính mình. Với tôi, tôi nghĩ rằng ngành TĐH của nhiều nước phát triển trên thế giới cũng đã trải qua những khó khăn thách thức trước thềm hội nhập phát triển. Họ đã làm được. Tại sao chúng ta không làm được?

Vũ Minh Tiến - Tự động hóa ngày nay
Email:
vuminhtien11@yahoo.com

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video