Cung điện Bafut ở miền Tây Bắc Cameroon gồm 50 tòa nhà được xây từ gạch đỏ, và là nơi sinh sống của đức vua cùng gần 100 bà vợ, hàng trăm người con.
Thị trấn Bafut ở Tây Bắc Cameroon là một trong hai vùng còn lại ở Cameroon vẫn nằm dưới sự trị vì của vua, theo cấu trúc quyền lực truyền thống. Người Bafut đến từ vùng phía bắc hồ Chad và nắm quyền kiểm soát khu vực từ khoảng 400 năm trước. Khi tới đây, họ xây dựng một cung điện cho nhà vua, nơi vẫn còn lăng mộ của 3 vị vua Bafut đầu tiên. Sau đó, cung điện được di dời tới vị trí hiện tại. Công trình này đã thu hút nhiều du khách tới từ khắp nơi trên thế giới.
Nằm giữa một khu rừng thiêng ở trung tâm thị trấn, cung điện Bafut gồm hơn 50 tòa nhà được xây dựng quanh đền thờ Achum. Các ngôi nhà được sử dụng làm nơi thiết triều và nơi ở cho gần 100 người vợ của nhà vua.
Họ không phải tất cả đều là vợ của vua đương triều, một phần lớn là vợ của vị vua trước đó. Theo truyền thống địa phương, khi nhà vua băng hà, người thừa kế sẽ thừa hưởng tất cả các bà vợ và con cái của ông. Điều đó đồng nghĩa đức vua sẽ cưới lại mẹ kế, và các anh chị em cùng cha khác mẹ sẽ trở thành con của ông. Đức vua hiện tại là đời thứ 11, thừa kế 72 người vợ và 500 người con từ cha mình.
Ban đầu, cung điện được xây từ tre và sậy. Sau khi người Đức chiếm đóng thị trấn vào cuối thế kỷ 19 và phá hủy nơi này, các tòa nhà được xây lại bằng gạch đỏ. Chỉ có đền Achum còn được làm từ gỗ, tre và lợp rạ, bên trong có một vật thiêng. Đây là ví dụ điển hình cho kiến trúc tôn giáo truyền thống của người Bafut.
Không ai ngoài đức vua và các cận thần được phép vào trong đền Achum. Trước cửa cung điện có nhiều tảng đá đánh dấu khu vực chôn cất các quý tộc đã qua đời khi phục vụ nhà vua. Ngoài ra, khu tổ hợp còn có tòa nhà Takombang, nơi cất giữ chiếc trống lễ hội của vua.
Cung điện này nằm trong danh sách 100 công trình đang bị đe dọa nhiều nhất của Quỹ Di tích thế giới.