Nhiều người cho rằng, càng lớn trí nhớ của họ càng tệ đi và họ không thể nhớ được tất cả mọi thứ như trước nữa. Tuy nhiên thực tế thì họ không thể nhớ được tất cả mọi thứ trong một thời gian dài. Và những nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, giấc ngủ chính là nguyên nhân.
Tạp chí National Geographic cho hay, những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, khi ngủ, não bộ của con người sẽ tiến hành sàng lọc những ký ức của con người, lựa chọn cái nào cần nhớ, cái nào cần quên đi thật nhanh. Các nhà khoa học cũng tin rằng, quá trình này có thể giúp cải thiện năng lực học tập và giúp tư duy con người nhạy bén hơn.
Khi ngủ não sẽ lựa chọn để ghi nhớ hoặc xóa bỏ những gì đã trải qua. (Ảnh minh họa).
Jessica Payne, thuộc trường Đại học Notre Dame, Mỹ, người đứng đầu chương trình nghiên cứu cho biết: “Khi con người ngủ, não bộ không chỉ biết đem những gì con người đã trải qua ghi nhớ sâu hơn mà còn biết lựa chọn cái nào cần nhớ, cái nào cần phải quên”.
Thông thường, những thứ gây ấn tượng mạnh nhất với con người thường liên quan đến tình cảm. Khi nhìn một cảnh tượng khiến người ta có cảm giác nặng nề chẳng hạn như một xác một chiếc xe hơi cũ thì cái mà người ta nhớ nhất chính là cảnh ảm đạm của chiếc xe hơi đó chứ không phải là những cây cọ ở ngay phía sau. Điều này đặc biệt đúng khi nó được kiểm tra sau một giấc ngủ say.
Như vậy, não bộ của con người hoàn toàn không lưu trữ toàn bộ cảnh tượng mà tổ chức lại, chỉ ghi nhớ những nội dung quan trọng gây được ấn tượng mạnh đối với con người. Những nội dung khác sẽ dần dần bị quên đi.
Nhóm của Jessica Payne cũng thấy rằng, khi ngủ, những khu vực liên quan đến củng cố ký ức và tình cảm trên não bộ hoạt động mạnh hơn rất nhiều so với khi người ta tỉnh.
Payne cho rằng, thông qua quá trình này, giấc ngủ có thể giúp con người cải thiện năng lực học tập, năng lực phán đoán cũng như bồi dưỡng khả năng tư duy trừu tượng.
Tuy nhiên, quá trình này cũng có những mặt trái tiêu cực của nó. Chẳng hạn như não bộ có thể chỉ lựa chọn để ghi nhớ những trải nghiệm mang tính tiêu cực và bỏ qua những trải nghiệm khác. Tình trạng này thường xuyên xuất hiện ở những người chán nản cực độ hoặc bị mất thăng bằng tình cảm do một mất mát nào đó trong cuộc sống.
Payne tin rằng, những nghiên cứu tiếp theo có thể giúp con người làm rõ hơn những thông tin như thế nào thì được ghi nhớ và não bộ ghi nhớ chúng ra sao. Điều này sẽ rất có lợi trong việc điều trị những chấn thương về mặt tinh thần của con người.