Giải mã bí ẩn về loài rắn có "2 đầu" ở Việt Nam

Tại Việt Nam tồn tại một loài rắn mà theo dân gian có đến 2 đầu và có nọc độc nguy hiểm chết người. Vậy loài rắn đó là gì và nó có thực sự độc đến như vậy? Bài viết sau sẽ cho bạn câu trả lời.

Tin đồn về loài rắn "2 đầu," có nọc độc chết người

Tại một số tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt các tỉnh thành ở khu vực phía Nam, thường lan truyền tin đồn về một loài rắn có đến 2 đầu, trong đó phần đầu phía sau của loài rắn này có nọc độc nguy hiểm, nếu bất cứ ai để phần đầu này cắn trúng sẽ khó giữ được tính mạng.

Loài rắn được nhắc đến trong tin đồn này đó là loài rắn trun.


Khi bị đe dọa, rắn trun thường đưa phần đuôi lên cao để đe dọa, khiến con vật bị hiểu nhầm là có 2 đầu. (Ảnh: Twitter).

Rắn trun, tên khoa học Cylindrophiidae, là một họ rắn đơn chi, được phân bố rộng khắp khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka. Tại Việt Nam, loài rắn này chủ yếu phân bố tại khu vực phía Nam và Tây Nam Bộ. Đó chính là lý do tin đồn về loài rắn trun 2 đầu chủ yếu được xuất hiện tại khu vực này.


Cận cảnh phần đuôi bị hiểu lầm là chiếc đầu thứ 2 của rắn trun (Ảnh: Benjamin Lee).

Rắn trun là một loài rắn kích thước nhỏ, với chiều dài khoảng từ 0,8 đến tối đa 1m. Đây là một loài rắn đào hang, thường sống ở những khu vực ẩm ướt như đầm lầy, bãi lau sậy, ven sông, suối và các khu vực đất nông nghiệp ngập nước. Rắn trun có đầu thuôn, bè, không phân biệt với cơ thể. Chính đặc điểm này giúp rắn trun dễ dàng đào hang và chui rúc vào trong các đống lá khô.

Rắn trun cũng thường xuất hiện ở những khu vực con người sinh sống, đặc biệt những khu dân cư gần sông, rạch hoặc ruộng lúa…

Rắn trun chủ yếu săn mồi vào ban đêm, thức ăn của loài rắn này bao gồm lươn, giun đất, côn trùng, trứng ếch…


Phần đầu thuôn, không phân biệt với cổ của rắn trun (Ảnh: GBIF).

Sở dĩ rắn trun được gọi là rắn 2 đầu vì cơ chế tự vệ của nó. Theo đó, khi rắn trun bị đe dọa hoặc khi cần tự vệ, loài rắn này sẽ dựng đứng phần đuôi của mình lên, đồng thời phần đầu thật của rắn sẽ nằm im hoặc rúc xuống dưới lá.

Phần đuôi của rắn trun có kiểu dáng lép và có một tấm sừng bành ra, khi được dựng đứng lên sẽ giống như phần đầu của hổ mang - loài rắn sở hữu nọc độc cực nguy hiểm - điều này sẽ khiến những kẻ săn mồi cảm thấy hoảng sợ và tránh xa rắn trun.

Rắn trun có nọc độc chết người không?

Cũng chính kiểu tự vệ đặc biệt của rắn trun khiến nhiều người lầm tưởng đây là loài rắn có 2 đầu và phần đầu bành ra giống rắn hổ mang sẽ có khả năng cắn chết người. Trên thực tế, rắn trun cũng chỉ có một đầu bình thường như các loài rắn khác và phần đuôi của rắn trun không có khả năng cắn hay tấn công.


Rắn trun sở hữu cơ thể với các khoanh màu sắc nên nhiều người lầm tưởng là rắn cạp nia cực độc (Ảnh: Wesley Dicks).

Một đặc điểm trong hình dáng của rắn trun đó là loài rắn này có cơ thể với các vòng sọc đen, trắng, cam hoặc vàng xen kẽ nhau, điều này khiến rắn trun bị nhiều người lầm tưởng là loài rắn cạp nong hoặc cạp nia cực độc.

Trên thực tế, rắn trun là loài rắn hoàn toàn vô hại và không có khả năng gây nguy hiểm cho con người. Rắn trun cũng là loài rắn nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn, chui rúc vào hang hoặc lá khô để tránh đụng độ với con người, do vậy chúng ta thường ít khi bắt gặp loài rắn này.

Do bản tính nhút nhát, không có nọc độc và sở hữu màu sắc sặc sỡ, rắn trun trở thành loài rắn được nhiều người chọn làm vật nuôi trong nhà.

Như vậy, tin đồn về loài rắn có 2 đầu và sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người là hoàn toàn không có thật. Trái ngược với tin đồn này, rắn trun lại là một loài rắn hiền lành và không có khả năng gây nguy hiểm cho con người.

Cập nhật: 09/07/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video