Siêu bão mặt trời trong năm 2012, nếu ập về hướng địa cầu, có thể đánh sập các mạng lưới điện trên Trái đất và phá hoại những vệ tinh trên đường đi của nó.
Các nhà vật lý học tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã giải mã được bí mật đằng sau siêu bão mặt trời cách đây hai năm.
Theo đó, siêu bão được tạo ra từ ba đợt bùng nổ khủng khiếp của các hạt điện tích và từ trường của mặt trời.
Phát hiện sớm có thể giúp Trái đất đối phó bão mặt trời - (Ảnh: NASA)
Một vụ phun trào vật chất vành nhật hoa (CME) đã xảy ra ở phần xa hơn trên bề mặt mặt trời vào ngày 19/7/2012.
Kế đến, thêm hai vụ tương tự xuất hiện sau đó bốn ngày, và cách nhau 15 phút, theo trang Huffington Post.
Kết quả của quá trình đụng độ các CME đã tạo ra cơn bão điện từ lớn nhất trong không gian.
Nếu nó quất thẳng về hướng Trái đất, các mạng lưới điện trên thế giới nhiều khả năng sẽ bị đánh sập, còn những vệ tinh trên quỹ đạo lâm vào tình trạng ngưng hoạt động.
Theo Ying Liu, nhà vật lý học của Trung tâm Khoa học không gian quốc gia ở Bắc Kinh, những vụ đụng độ của các CME khi đó đã tạo ra những luồng hạt điện tích di chuyển ở tốc độ gấp năm lần CME bình thường, trong khi mang theo sức mạnh gấp 10 lần.
Phát hiện mới có thể giúp cải thiện phương pháp dự báo thời tiết không gian, và giúp các bên phản ứng tốt hơn khi Trái đất buộc phải hứng siêu bão từ mặt trời.