Nói mơ khi ngủ là rối loạn giấc ngủ thường thấy ở trẻ em, gây ra bởi cơn sốt, stress, thiếu ngủ hoặc yếu tố di truyền.
Giải đáp hiện tượng nói mê sảng khi ngủ
Theo trang Times of India, nói mơ khi ngủ (hay nói mớ) là một rối loạn giấc ngủ. Người mắc chứng này nói trong giấc ngủ mà không hề hay biết. Lời nói ở dạng độc thoại, hội thoại; từ ngữ linh tinh, sai ngữ pháp, thường khó hiểu và liên quan đến trải nghiệm trong quá khứ. Người bệnh có thể chỉ lẩm bẩm hoặc la hét.
Nói chuyện ban đêm có thể vô hại nhưng nhiều khi cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đôi khi, người nghe có thể bắt gặp những nội dung xúc phạm hoặc thô tục. Những người nói chuyện khi ngủ thường nói không quá 30 giây mỗi lần, nhưng nhiều người lại nói nhiều lần trong một đêm.
Những câu chuyện trong đêm khuya có thể đặc biệt rối rắm, từng từ lẩm nhẩm và khó giải mã. Nói mớ có thể là những âm thanh đơn giản hoặc những bài nói kéo dài. Những người đó dường như đang nói chuyện với chính họ, nhưng thỉnh thoảng, có vẻ họ còn trò chuyện với người khác. Đó có thể là những lời thì thầm hoặc thậm chí là hét lên. Nếu bạn ở chung phòng với những người này, thì việc tìm kiếm một giấc ngủ ngon lành có vẻ sẽ khá khó khăn.
Thông thường, một người sẽ nói mơ khi đang trong chu kỳ ngủ REM. (Ảnh: sleep-paralysis-info.com).
Nói mơ khi ngủ thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, từ một tháng đến một năm tùy vào thay đổi tâm sinh lý.
Những ai nói chuyện trong khi ngủ?
Một nửa số trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi nói trong khi ngủ, và con số này ở người lớn ít hơn, khoảng 5%. Hành động này có thể diễn ra thỉnh thoảng hoặc hàng đêm. Một cuộc thăm dò vào năm 2004 cho thấy hơn 1/10 trẻ nhỏ nói mớ nhiều đêm trong tuần.
Các bé gái và bé trai đều có tỷ lệ như nhau và các chuyên gia cho rằng nói trong khi ngủ có thể thừa hưởng từ những người thân trong gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến việc nói mơ khi ngủ
Do di truyền
Trong nghiên cứu trên hơn 1.000 hộ gia đình có con từ độ tuổi 3 - 15 của Phần Lan năm 2001 và của Nhật Bản năm 2008, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các gia đình có bố mẹ thường mộng du và nói mớ thì con cái cũng có khả năng cao gặp tình trạng đó.
Do thể trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ
Bất cứ ai cũng có thể nói lẩm bẩm trong giấc ngủ nhưng nhóm người gặp tình trạng này nhiều nhất là khi thiếu ngủ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn những người nói mớ khi ngủ thường đang trải qua những ngày thiếu ngủ hoặc thể trạng căng thẳng, mệt mỏi.
Khi chúng ta không nghỉ ngơi đầy đủ, hoạt động của não bộ có thể bị gián đoạn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta.
Do ảnh hưởng của thuốc
Nhiều loại thuốc trị bệnh gây tác dụng phụ là làm gián đoạn giấc ngủ. Thuốc có thể dẫn đến một số hành vi khi ngủ, bao gồm cả nói mớ, mộng du. Không chỉ là nói mớ, do không kiểm soát được cơ bắp, người ngủ còn có thể đá, đấm, nhảy ra khỏi giường và nói chuyện như một người đang tỉnh.
Trẻ em là đối tượng dễ nói mơ nhất với tỷ lệ lên tới 50%. Con số này ở người lớn là 5%, chủ yếu là nam giới. Nói mơ khi ngủ có thể đi kèm các rối loạn khác như sợ ngủ, mộng du, lú lẫn, ngừng thở khi ngủ, rối loạn tâm thần và co giật ban đêm.
Bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể gặp tình trạng nói mơ khi ngủ - (Ảnh: HEALTH).
Làm gì để không nói mớ khi ngủ?
Mặc dù không thể xác định nguyên nhân chính xác của việc nói mớ nhưng thay đổi một số thói quen có thể giúp chúng ta kiểm soát nó. Cụ thể:
- Nên tránh ăn uống quá no vào buổi tối. Tránh uống caffeine khi gần đi ngủ.
- Lựa chọn giường nệm thoải mái để hỗ trợ giấc ngủ ngon.
- Tập đi ngủ đúng giờ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nói mớ quá nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, đồng thời xuất hiện kèm dấu hiệu mệt mỏi, kiệt sức, không thể tập trung công việc ban ngày trong thời gian dài thì cần đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện.
Bởi vì, trong một số trường hợp hiếm, việc nói mớ có liên quan tới các vấn đề sức khỏe như rối loạn tâm thần hoặc co giật vào ban đêm.
Việc điều trị rối loạn này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp nói mơ khi ngủ do bệnh tâm thần, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Một trong những cách phòng tránh dễ thực hiện là không dùng rượu và thuốc lá.