Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Communications Earth and Environment số ra ngày 6/1 đã chỉ ra hầu hết các quốc gia trên Trái đất có thể phải trải qua những đợt nắng nóng cực đoan với tần suất hai năm một lần vào năm 2030.
Nghiên cứu kết hợp dữ liệu về lượng khí thải trước đây và các cam kết cắt giảm khí thải được đưa ra trước thềm Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của 5 nhà phát thải lớn nhất thế giới (gồm Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nga) để đưa ra dự báo về tình trạng nóng lên ở cấp khu vực vào năm 2030.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, có đến 92% trong số 165 quốc gia được nghiên cứu có nguy cơ hứng chịu thời tiết nắng nóng cực đoan thường xuyên hơn.
Nếu trong thời kỳ tiền công nghiệp cứ 100 năm thì có 1 năm trải qua tình trạng thời tiết nắng nóng cực đoan, thì đến năm 2030, tần suất sẽ tăng lên 2 năm một lần.
Nóng lên toàn cầu gây lên nhiều thảm họa. (Ảnh minh họa).
Để đánh giá tác động từ lượng khí thải của 5 nhà phát thải lớn nhất thế giới nói trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mô hình khí hậu mà không có lượng khí thải của các nhà phát thải này kể từ năm 1991, thời điểm Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) lần đầu tiên cảnh báo các chính phủ về tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Họ phát hiện ra rằng trong mô hình này, tỷ lệ các quốc gia phải hứng chịu những năm nắng nóng cực đoan giảm đến 46%.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, bà Lea Beusch thuộc Viện Khoa học khí hậu và khí quyển của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), cho rằng nghiên cứu trên đã cho thấy hành động của các nhà phát thải lớn nhất thế giới có tác động tiêu cực như thế nào đến khí hậu ở quy mô khu vực.
Theo bà Beusch, thế giới thường nói đến lượng khí thải hay nhiệt độ toàn cầu trên lý thuyết mà con người thực sự khó có thể cảm nhận được.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh biến đổi khí hậu cấp khu vực sẽ dễ nhận thấy hơn khi “chúng ta đang phải trải qua tình trạng nhiệt độ tăng lên ở đất nước chúng ta và hứng chịu những năm thời tiết nắng nóng cực đoan thường xuyên hơn”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tác động lớn nhất của tình trạng nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn là ở châu Phi, nơi chủ yếu là khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên, mức tăng nhiệt độ nói chung cao nhất là ở những khu vực có vĩ độ cao ở phía Bắc, nơi ấm lên với tốc độ nhanh hơn các vùng nhiệt đới.
Mặc dù vậy, các tác giả nghiên cứu cho rằng tần suất các năm nắng nóng cực đoan có thể thay đổi nếu các quốc gia tăng cường nỗ lực cắt giảm lượng khí thải.
Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với những chính sách hiện tại, lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng 13,7% vào năm 2030, thời điểm mà thế giới cần phải giảm một nửa lượng khí thải để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace, nhà khí hậu học Robert Vautaud, mỗi đợt nắng nóng khủng khiếp hoành hành trên quy mô lớn khiến hàng nghìn người tử vong và điều đáng lo ngại là các đợt nắng nóng này ngày một gia tăng.
Một dự thảo báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu nhiệt độ trên thế giới tăng lên 2 độ C thì 1/4 dân số thế giới có thể đối mặt với các đợt nắng nóng nghiêm trọng xảy ra ít nhất 1 lần trong 5 năm.
Trong bối cảnh các đợt nắng nóng nghiêm trọng ngày càng trở thành thực tế cuộc sống trên toàn cầu, nhiều người đang đặt kỳ vọng vào Hội nghị COP26 tới. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hội nghị sắp tới phải đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Để làm được điều đó, mọi các quốc gia trên thế giới phải cam kết không khí phát thải ròng vào năm 2050 và đệ trình những chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy trong dài hạn để đạt được mục tiêu này.