Giải mã sự huyền bí trong niềm tin "tận thế" (3)

"Ngày tận thế" sẽ xảy ra khiến trái đất không còn quay nữa khi hành tinh Nibiru xuất hiện che khuất mặt trời. Thực tế, đó chỉ là tin đồn.

Hành tinh Nibiru

Nibiru được miêu tả là một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời lao vào trái đất và quét sạch loài người vào năm 2012. Rất nhiều tin đồn lan đi với đủ các bi kịch sẽ đến với hành tinh chúng ta như núi lửa sẽ hoạt động dữ dội, trái đất hầu như không quay và tối đen trong 3 ngày vì Nibiru che khuất mặt trời. Nibiru cũng “ép” mặt trăng cực mạnh làm nó có lúc sát trái đất và hậu quả là thủy triều dâng cùng sóng thần cao vài trăm mét, vụ va chạm tạo ra những làn sóng xung kích lan toả khắp địa cầu và huỷ diệt tất cả sự sống. Đây là tin đồn dễ hình dung và dễ lan truyền nhất chỉ sau lịch Maya.

Năm 1995, một phụ nữ tên Nancy Lieder tự nhận là “người liên lạc” gửi thông điệp của người ngoài hành tinh tới trái đất, cho rằng sẽ có một vụ va chạm giữa hành tinh với trái đất vào năm 2003. Sau năm đó, những tín đồ của cô ta chuyển niềm tin vào thời điểm năm 2012. Lieder gọi nó là hành tinh Nibiru, theo tên gọi trong một truyện viễn tưởng của nhà văn Zecharia Sitchin. Theo miêu tả của nhà văn này, Nibiru là một hành tinh khổng lồ thứ 12 trong hệ Mặt Trời, nó ở rất xa, di chuyển theo quỹ đạo hình chữ nhật và tiến gần trái đất sau 3.600 năm, cùng nhiều hư cấu hoang đường khác.

Tác phẩm của Sitchin thu hút sự chú ý của nhiều người và gây ra nỗi ám ảnh về ngày tận thế là một vụ va chạm thiên thạch khủng khiếp. Điều này càng làm những tín đồ dệt thêm nhiều tin đồn khác liên quan.


Trong quá khứ, một thiên thạch được cho rằng đã va chạm với trái
đất làm tuyệt chủng loài khủng long. (Ảnh minh họa: ichef.bbci.co.uk)

Các đặc điểm về Nibiru như trên đều phản khoa học. Hơn nữa, nếu tồn tại một hành tinh như vậy, đủ lớn để gây tác hại tới trái đất, thì hàng vạn kính thiên văn lớn nhỏ đang hàng ngày quan trắc bầu trời sẽ phát hiện khi nó tới gần trái đất.

Thực tế, khí quyển trái đất hàng ngày vẫn luôn bị “tấn công” bởi khoảng vài trăm tấn mảnh vỡ đá bụi đủ mọi kích cỡ, tuy nhiên phần lớn kích thước của chúng rất nhỏ (dưới 10 m) nên tất cả tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và cháy rụi thành các vệt sao băng trước khi kịp chạm đất. Với các thiên thạch từ 10-100 m thì trong vài thế kỷ, thậm chí vài chục ngàn năm mới có một lần. Các thiên thạch khoảng 1 km phải chờ 200-500 ngàn năm mới xuất hiện một lần, còn đường kính 10 km tương ứng với khoảng 10 triệu năm và từ 15 km trở lên phải đợi khoảng 100 triệu năm mới có một lần.

Hiện nay, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang có dự án theo dõi thường xuyên các vật thể ở gần trái đất. Chúng đều có kích thước nhỏ và sẽ bốc cháy nếu rơi vào khí quyển nên không thể gây nên bất kỳ thảm hoạ quy mô lớn nào.

21/12/2012 không phải ngày tận thế

Không có gì sinh ra sẽ tồn tại vĩnh viễn. Sự sống trên trái đất nếu cứ trường tồn bình yên thì chính trái đất cũng có điểm cuối của cuộc đời. Mặt trời sau khi sử dụng hết nguồn nguyên liệu cho phản ứng nhiệt hạch ở tâm, nó sẽ phồng to trở thành sao kềnh đỏ, nuốt chửng trái đất vào lòng, rồi phát nổ sau đó. Sự kiện này sẽ xảy ra sau 5,5 tỷ năm nữa. Liệu lúc đó mới là ngày tận thế?


Giới khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu mới chính là mối đe dọa con
người hiện hữu nhất, do đó loài người hãy đứng lên bảo vệ  môi trường
và sự sống của chính mình hơn là đặt niềm tin vào những điều huyễn hoặc. 

Xác suất để một dạng sống thông minh đạt trình độ cao xuất hiện chỉ trong Ngân Hà của chúng ta thôi là rất nhỏ. Trong khi đó, vũ trụ mà con người quan sát được chứa tới 170 tỷ thiên hà. Giới khoa học chỉ ra rằng, nếu vũ trụ chỉ cần thay đổi một số thập phân thứ 16 của hằng số Planck, sự sống trên trái đất đã không thể phát sinh. Nếu coi sự phát triển của trái đất trong 4,5 tỷ năm qua như là khoảng thời gian 24 giờ của một ngày, thì lịch sử phát triển của loài người chỉ là 4 giây cuối cùng trước nửa đêm, mà tuổi của trái đất vẫn nhỏ hơn 14 tỷ năm tuổi của vũ trụ.

Sự tồn tại của nhân loại xét cả về không gian lẫn thời gian đều vô cùng nhỏ bé, chỉ như một sự tình cờ đến mức vô nghĩa của tạo hoá mà thôi.

Có thể trong vũ trụ có nhiều nền văn minh phát triển tới trình độ cao, nhưng không phải nền văn minh nào cũng phát triển mãi mãi mà sớm muộn cũng sẽ bị diệt vong. Nguyên nhân có thể đến từ tự nhiên như va chạm thiên thạch, bão từ, động đất, núi lửa, sóng thần… Nhưng xét cho cùng, các thảm hoạ đó khó xảy ra ở mức độ huỷ diệt trong một khoảng thời gian chỉ vài nghìn đến vài triệu năm. Điều này quá nhỏ bé so với tuổi của vũ trụ.

Vì vậy, nguyên nhân diệt vong lớn nhất của các nền văn minh đến từ chính nội tại nền văn minh đó. Lượng vũ khí hạt nhân các nước đang nắm giữ đủ sức xoá sổ hoàn toàn sự sống trên trái đất. Còn biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng đang dần dần biến thành mối đe doạ cho hàng tỷ người mỗi ngày.

Tất cả điều đó là do đâu? Không phải do trời, không phải do đất, hay lực lượng siêu nhiên nào, cũng chẳng có hành tinh nào là Nibiru, càng không phải do mặt trời và các hành tinh hay do các ngôi sao vô tri khác, mà do chính con người. Chính chúng ta mới đang sở hữu “quyền năng” tự huỷ diệt chính mình.

Ngày 21/12 không phải ngày tận thế, nhưng nếu con người vẫn tin vào những tin đồn thất thiệt, đặt niềm tin vào những điều huyễn hoặc, mê tín, lợi dụng thì chẳng bao lâu nữa, loài người sẽ phải đối mặt với những thảm hoạ không thể cứu vãn nổi.

Ngày 21/12 tới sẽ là ngày đông chí, bắt đầu một mùa đông ở bắc bán cầu. Nhưng nếu chúng ta không hành động từ bây giờ, thì tới một ngày, trái đất sẽ vĩnh viễn là mùa đông lạnh giá vĩnh cửu, không còn sự sống.

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video