Bức tranh The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) của Leonardo da Vinci khác biệt với tất cả các bức tranh cùng chủ đề bởi thông điệp ẩn mà danh họa để lại cho chúng ta.
Hơn một thập kỷ trước đây, bức tranh The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) của Leonardo da Vinci trở thành đề tài tranh cãi sau khi tiểu thuyết The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) của Dan Brown phát hành. The Da Vinci Code khi đó đưa ra lý thuyết, được ít người chấp nhận, về vai trò của Mary Magdalene và Chén Thánh.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sau 15 năm phân tích, các chuyên gia khẳng định bức tranh nắm giữ vài bí mật riêng có liên quan đến giả thuyết Mật mã Da Vinci đã đưa ra.
Bữa tiệc ly, bữa ăn sau cùng mà Chúa Jesus chia sẻ với các môn đồ trước khi Ngài chịu chết, là đề tài hấp dẫn và thường được khai thác. Kênh Smithsonian cho biết The Last Supper của Leonardo da Vinci được người ta biết đến nhiều nhưng nó không phải phiên bản duy nhất miêu tả bữa tiệc ly.
The Last Supper của Leonardo da Vinci ẩn chứa thông điệp: 13 người trong tranh là người thường chứ không phải các vị thánh, Chúa Jesus là người có sinh tử.
Có rất nhiều cách thể hiện khác nhau hình ảnh Chúa Jesus và 12 tông đồ xuất hiện trước bức tranh thế kỷ 15 của Leonardo da Vinci. Nhưng tất cả chúng đều có một điểm chung. Riêng The Last Supper do Leonardo da Vinci vẽ diễn tả một thông điệp tinh tế khiến nó trở nên đặc biệt hơn tất cả bức tranh khác cùng loại.
Nếu các tác phẩm trước đó miêu tả 13 vị thánh thì Leonardo da Vinci lại cho rằng họ chỉ là người thường và Chúa Jesus đã thật sự chết. Biểu hiện rõ nhất là những người tiền nhiệm đều vẽ 13 người với quầng sáng trên đầu, còn phiên bản của Leonardo da Vinci, ngay cả Chúa, đều không có vầng hào quang quanh đầu.
"Trước Leonardo da Vinci, tất cả các bức The Last Supper đều cho thấy Jesus và các môn đồ có quầng sáng, mô tả họ như những vị thánh. Nhưng Da Vinci chọn bỏ qua quy ước này và vẽ họ không có hào quang", đoạn video trên Smithsonian giải thích.
Trong khi The Last Supper của Leonardo da Vinci không vẽ hào quang, mọi bức tranh cùng đề tài đều miêu tả 12 tông đồ và Chúa Jesus với hào quang, chứng tỏ họ là thánh.
Mario Taddei, một nhà phát minh tại Milan và chuyên gia về các tác phẩm của Da Vinci nhận định chọn bỏ qua quầng sáng là một cách gửi thông điệp. Theo Taddei, người được mô tả trong tranh không phải các thánh mà chỉ là "những người đàn ông bình thường", ngụ ý rằng Chúa Jesus thật sự đã chết.
"Tôi tin rằng Leonardo không đặt quầng sáng vì anh nghĩ rằng họ là người dân thường và đây là bí mật thực sự của Leonardo. Không có đối tượng ngoài trái đất hay siêu nhiên bên trong bữa tiệc ly. Leonardo muốn nói với chúng ta rằng 13 người đàn ông đơn giản là đàn ông".
Trong cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code và bộ phim cùng tên sau đó, bức tranh đóng một vai trò quan trọng với câu chuyện cho rằng người ngồi bên phải Chúa Jesus là Mary Magdalene chứ không phải là đệ tử John. Điều này ngụ ý rằng Đức Maria là Chén Thánh. Lập luận trong cuốn sách hư cấu đã nhận nhiều lời chỉ trích gay gắt của một số người.
Nhưng theo Smithsonian, cuốn tiểu thuyết này không hoàn toàn chệch hướng trong việc giải thích về bức tranh. Leonardo da Vinci để lại một thông điệp tinh tế với Bữa ăn tối cuối cùng của mình. Ông ấy nói với chúng ta rằng Chúa Jesus là một con người (có sinh tử) - một điều từng được nói trong The Da Vinci Code.