Thu lại khí CO2, vùi nó xuống lòng đất, đáy đại dương... là một trong những giải pháp hạn chế khí thải nhà kính trong không khí, đang được ứng dụng bước đầu ở một số nước.
CO2 được chở bằng xe tải và trữ dưới dạng lỏng (ở nhiệt độ -20oC) trong hai container. Sau đó, khí CO2 được làm nóng lên và được bơm vào các vỉa than nằm ở độ sâu 1.050-1.090m dưới mặt đất ở Silesia (Ba Lan), qua một cái giếng. Khi CO2 thẩm thấu vào vỉa than, nó đã đồng thời cho thoát ra khí methane. Khí methane này lại được hút lên và thu dẫn qua giếng thứ hai để đưa vào sử dụng trong công nghiệp.
Đó là một qui trình công nghệ không hề viển vông đang được ứng dụng với tên gọi RECOPOL. Dự án đã bắt đầu triển khai thí điểm từ cuối năm 2003 với sự trợ giúp của nhiều nước như Đức, Pháp, Hà Lan...
Kết quả của dự án đã được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị quốc tế về thu và lưu trữ khí CO2 tổ chức tại Paris từ 3 đến 5-10-2007. Đây là hội nghị lần thứ hai nhằm lượng định những kết quả ban đầu của những giải pháp giảm khí thải từng được bàn bạc trong hội nghị hai năm trước.
Chôn - khả thi nhất
Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, việc chôn giữ CO2 có thể là một trong những cách hay nhất nhằm giảm khí thải nhà kính hiện nay. Nhưng việc phát triển dự án này phải được tiến hành từ từ vì chi phí cao và cũng vì cần có thời gian để ước định tính an toàn và tính pháp lý của nó. |
"Đây là một việc khẩn cấp. Khí thải nhà kính, trong đó phần lớn là khí CO2, đã tăng 3%/năm từ 2000 đến 2006, trong khi tỉ lệ tăng bình quân trong thập niên 1990 mới là 1,1%" - giám đốc chiến lược Cơ quan môi trường Pháp Franøois Moisan khẩn thiết kêu gọi.
Báo cáo tại hội nghị cho biết giải pháp thu giữ khí CO2 trong khói do các nhà máy nhiệt điện và nhà máy ximăng thải ra, vùi nó vào lòng đất, vào trong những mỏ dầu hoặc vỉa than đã hết giá trị khai thác hay dưới đáy đại dương, là một trong những sự lựa chọn có tính khả thi nhất nhằm hạn chế sự ô nhiễm đang làm khí hậu nóng lên.
Đối với những nước đang thải ra rất nhiều CO2 như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, giải pháp này càng nên được đặc biệt chú trọng. Riêng Pháp cho biết sẽ sử dụng rộng rãi công nghệ mới từ nay đến trước năm 2020.
Về chi phí, hội nghị nhận định trước mắt vẫn chưa thể đánh giá được lợi nhuận kinh tế. Công nghệ chiết xuất khí CO2 rất đắt tiền, chiếm khoảng 70% tổng chi phí. Kế đến phải vận chuyển CO2 và đưa nó vào trong những tầng địa chất dưới mặt đất hoặc dưới đáy biển. Các chuyên gia ước tính chi phí xử lý một tấn CO2 hiện khoảng 60 euro. Hợp lý nhất là giảm chi phí xuống còn 20-30 euro/tấn, bằng với mức thuế đối với việc thải CO2 đang được nghị định thư Kyoto qui định.
Ngoài ra, yêu cầu đặt ra là nhốt CO2 vào lòng đất trong khoảng 1.000 năm - thời gian cần thiết để ổn định tỉ lệ CO2 trong khí quyển. Mối quan ngại của các tổ chức môi trường hiện nay là dưới tác động sinh thái, các bọt khí có thể theo những đường nứt của nơi bị giam mà bay ra. Đối với vấn đề này, tại hội nghị, văn phòng các nghiên cứu sinh thái và mỏ của Pháp đã đề nghị soạn ra "Các tiêu chí về an ninh chung".
Một trong hai giếng "xử lý CO2 để thu lại methane" ở Ba Lan (Ảnh: TTO)
Giấu dưới biển Bắc
Cho dù còn trong giai đoạn khởi động và thăm dò, những dự án thí điểm thu trữ khí CO2 đang được nhân rộng trên thế giới. Ở Đan Mạch là dự án Castor, ở Pháp là dự án của Tập đoàn Total…
Ở biển Bắc, Tập đoàn Na Uy Statoil sẽ bơm CO2 vào một tầng nước ngầm nằm ở độ sâu 1.000m dưới đáy đại dương - nơi được chọn là một vỉa đá ong cổ và Chính phủ Na Uy đã không tiếc tiền rót cho công việc nghiên cứu. Công ty thực thi kế hoạch Gassnova cho rằng nên vận chuyển khí đến tận nơi bằng đường ống dẫn thay vì bằng tàu thủy để giảm chi phí.
Lượng khí thải cũng chủ yếu nhận từ hai nhà máy điện ở Kaarsto và Mongstad tại bờ Tây. Đây là hai nhà máy được xây dựng nhằm cung ứng điện cho ngành công nghiệp dầu hỏa và khí đốt đang tăng trưởng nhanh ở Na Uy. Hiện nay chi phí cho dự án này vẫn chưa được tiết lộ.
Báo cáo của Gassnova cho biết "việc vận chuyển và cất giữ khí CO2 có thể sẽ được triển khai kể từ cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012, khớp với thời gian bắt đầu nhận khí CO2 từ… Nhà máy điện Kaarsto. Dự kiến cuối năm 2008 sẽ có quyết định đầu tư”. Kế hoạch của Na Uy là làm lạnh để hóa lỏng khí CO2, sau đó bơm chất lỏng này vào hai vỉa đá có tính ngậm nước Johansen và Utsira, hoặc tầng ngậm nước, dưới đáy đại dương qua một cái giếng.
THỦY TÙNG
Theo energycurrent, recopol, Reuters, AFP, Tuổi trẻ