Gian lận thi cử thời hi-tech

Trường hợp hi hữu về gian lận thi cử trong mùa thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay: Một thí sinh của Học viện Ngân hàng dùng điện thoại di động để chép bài giải từ ngoài đọc tới. Chiếc tai nghe được cài cắm khéo léo chỉ bị phát hiện khi "sĩ tử" này gỡ ra... bộ tóc giả. Hình thức gian lận thi cử thông qua phương tiện công nghệ cao, có cả những đường dây tham gia, bắt đầu được cảnh báo nhiều hơn...

Bàn tay "đen" mang tên hi-tech

Hiện tượng gian lận thi cử bằng cách tận dụng các chức năng tinh vi của thiết bị công nghệ cao trong các kỳ thi đã được cảnh báo trước nhưng xem ra ngành giáo dục vẫn có phần bị động cho đến năm nay. Khi việc gian lận thi cử qua điện thoại rộ lên trong đợt đầu tiên của kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, Vụ ĐH và sau ĐH mới ký công văn khẩn gửi các hội đồng tuyển sinh về việc cấm sử dụng thiết bị này.

Mùa thi năm nay, ĐTDĐ đã được gom trong phòng thi thế này để chống gian lận. Ảnh: Kiều Oanh

Theo đó, thí sinh không được phép đem "dế" cũng như các vật dụng truyền tin khác vào phòng thi. Ngay đến giám thị cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới nếu để thí sinh có hành động này. Công văn khẩn cũng nêu rõ, cán bộ coi thi không được mang theo điện thoại di động trong khi làm nhiệm vụ.

Trở lại vụ "đội tóc giả" kể trên, thí sinh Vũ Việt Đức sinh năm 1987 (quê Lạng Sơn) bước đầu khai nhận đã chi 20 triệu đồng thuê người tổ chức làm đáp án, đọc vào phòng thi qua điện thoại di động. Khi bị bắt quả tang, chiếc Nokia của Đức đang hoạt động trong chế độ nghe được trên 100 phút. Cũng từ chiếc "mô-bai nhắc bài" này, PA25 đã dùng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ số máy gọi đến cho Đức. Đức khai nhận đường dây giúp Đức đã cài người vào thi ĐH để tuồn đề ra ngoài rồi bên ngoài giải đề và gọi vào cho Đức qua điện thoại di động.

Một trường hợp gian lận khác cũng tại điểm thi của Học viện Ngân hàng. Một thí sinh nữa bị công an PA25 phát hiện đã sử dụng điện thoại di dộng có tai nghe trong phòng thi. Hành động này chỉ bị bóc trần khi đã diễn ra trót lọt suốt 45 phút mà giám thị không hề hay biết!

Riêng đợt thi tuyển sinh đầu tiên với ba môn khối A Toán, Lý, Hóa, sau khi kết thúc, Thanh tra bộ GD&ĐT đã công bố gần chục trường hợp gian lận bằng điện thoại. Khi đây vẫn là hình thức gian lận khá mới vẻ và tinh vi thì con số này cõ lẽ chỉ là "phần nổi của tảng băng" (?). Việc cảnh báo cùng với những hình thức kỷ luật nghiêm khắc, cương quyết với thí sinh vi phạm dạng này - từ kinh nghiệm có được - sẽ có ý nghĩa trong đợt thi sau với các khối B, C, B vốn được coi là thuận lợi hơn trong việc chuyển tải lời giải, tài liệu qua các thiết bị cầm tay tinh vi, nhỏ gọn.

Chiếc "mô-bai" vốn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà khi đi thi đại học, là sợi dây liên lạc không thể thiếu nay đã trở thành "tòng phạm" của những trò gian lận mới với những dấu hiệu đáng lo ngại trong mùa thi năm nay. Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên trò gian lận này được cảnh báo. Mùa thi 2005, một đường dây thuê với thủ đoạn nhắc bài qua điện thoại di động cũng đã bị công an Bắc Giang bóc gỡ.

Một chiếc "mô - bai", một chiếc máy MP3, máy ghi âm... bằng kích cỡ một chiếc máy tính và cũng nhỏ bé không kém chiếc "phao ruột mèo", tập tài liệu photocopy nhỏ đến không thể nhỏ hơn... nên đã "lọt lưới" ngay cả khi đã có quy định các sĩ tử chỉ được mang bút, thước kẻ, giấy báo dự thi vào phòng.

Chống gian lận thế nào? 

Một chiếc CD Rom đủ để chứa tới hàng trăm luận văn được "copy" từ Internet. (Ảnh: VNN)

Hình thức gian lận thi cử cũng như những hình thức gian lận khác ngày càng tinh vi hơn khi có sự góp tay của các phương tiện công nghệ cao, của khả năng copy cực kỳ nhanh và dễ dàng trên không gian mạng.

Khi nguồn thông tin trên mạng trở nên vô tận thì việc copy chất xám của người khác trở thành chuyện không hiếm gặp thường ngày. Riêng với chuyện học hành, thi cử, cả trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều trò "đạo văn", gian lận bị phanh phui. Có khi chỉ cần lướt trên mạng ít phút là đã có thể bê về được cả một đồ án, khóa luận hàng trăm trang. Ngoài vài thao tác kiếm tìm thì việc còn lại chỉ là copy và paste.

Ở Hàn Quốc đã có câu chuyện sinh viên nộp khóa luận với sản phẩm tải về từ Internet. Việc copy tài liệu trên mạng để lấy làm sản phẩm thi cử của mình trở nên phổ biến và có khả năng lây nhiễm cao đến mức có trường đã yêu cầu sinh viên phải viết luận bằng bút mực thay vì đánh máy, nhằm ngăn ngừa tình trạng bài luận đó bị sao chép trên mạng.

Để ngăn chặn triệt để hơn, nhiều trường đại học ở đây đã phát triển một chương trình để có thể phát hiện ra các bài luận "sặc mùi... cá chép"(copy). Chương trình này được gọi là “Hệ thống kiểm soát bài luận của trường ĐH Hàn Quốc” (KUREPOLS).

Nói về chương trình này, Thời báo Hàn Quốc đã cho biết: Dựa vào bản tổng hợp các bài luận của SV được dưới dạng tập tài liệu, chương trình KUREPOLS xem xét mọi câu văn trong bài luận và so sánh với bài luận của các SV khác để xác định xem, liệu bài luận này có gian lận hay không. Sau đó, hệ thống sẽ nhặt ngẫu nhiên một đoạn văn và so sánh với các nguồn khác được tìm trên công cụ tìm kiếm Google. Kết quả tìm kiếm được sẽ chuyển tới các giáo sư theo trình tự từ những bài luận “khả nghi” nhất, trên cơ sở đó, các giáo sư sẽ xem xét lại các bài luận để ra kết luận cuối cùng.

Ở xứ mình về gian lận thi cử thì vẫn là chuyện đau đầu lâu nay, nhất là khi máy móc, thiết bị công nghệ cao càng ngày càng được "nâng cấp" đa dạng và giữa không gian mạng bao la, vô tận, người canh gác các kỳ thi chẳng dễ dàng gì để chỉ ra "đạo tặc".

Trong mùa thi cách đây 2 năm, người viết bài này đã được nghe kể về một thí sinh sau từ phòng thi đại học bước ra đã hả hê với việc qua mặt giám thị. Người này đã thực hiện trót lọt một cuộc điện thoại ra ngoài để "cầu cứu nhắc bài" khi cho biết đã gọi điện từ nhà vệ sinh.

Như thế, việc cảnh giác với các hình thức gian lận tinh vi có thể xảy ra, thực thi nghiêm công tác đảm bảo công bằng trong thi cử sẽ góp phần hạn chế những hình thức gian lận này . Nhưng xem ra quy định về cấm mang điện thoại di động vào phòng thi mà Vụ ĐH và Sau ĐH vừa đưa ra cũng đã có kẽ hở khi còn nhiều thiết bị số khác như máy MP3, bút ghi âm, máy tính đa chức năng, đồng hồ chụp ảnh kỹ thuật số với các công thức toán... chưa được đề cập đến.

Có lẽ một trong những điểm nổi cộm của mùa thi đại học năm nay là hiện tượng có thể coi là "bùng phát" gian lận thi cử qua điện thoại di động nên khi nhắc đến điều này, ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ GD & ĐT, nói luôn: "Đây là chuyện bình thường của thời công nghệ. Và biện pháp triệt để nhất chính là dùng công nghệ chống công nghệ, đó là việc xem xét để triển khai các máy phá sóng (trong khoảng 100m), dò sóng... tại các điểm thi".

Riêng về vấn đề sao chép luận văn trên mạng trong mùa thi cử, ông Ngọc cũng cho biết, chợ luận văn ngoài vỉa hẻ còn nhức nhối hơn chợ luận văn trên Internet. Ông nêu ý kiến: "Hãy công khai tất cả luận văn lên mạng. Dù không gian mạng rộng lớn nhưng vẫn dễ kiểm soát, theo dõi hơn là ở các cửa hàng photo". Lý do là: Khi "đạo văn" trên mạng thì "kẻ cắp" không bị người này thì sẽ bị người kia phát hiện ra. Nếu đơn thuần chỉ có copy và paste thì sẽ bị lộ ra khi bảo vệ, khi bị tra hỏi...

"Mạng là không gian vô tận với vô số tài liệu để tham khảo khi học hành, thi cử, làm đồ án, khóa luận, nhưng hãy nhớ nêu nguồn trích dẫn, ý thức cái nào là của mình, cái nào là tham khảo từ nơi khác để thể hiện sự trung thực và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra", ông Ngọc nói.

B.D

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video