Phải chăng nguyên nhân khiến Steve Harvey đọc nhầm tên hoa hậu đến từ thiết kế?
Có thể nói hiện nay, MC Steve Harvey đang trở thành nhân vật được... "troll" nhiều nhất trên thế giới sau sự cố trao nhầm vương miện trong đêm Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2015 vừa qua.
Sự việc sau đó đã gây ra rất nhiều tranh cãi, trong đó nhiều giả thiết đã được đặt ra về chuyện tại sao Steve Harvey - một MC kỳ cựu, một chủ talkshow nổi tiếng của Mỹ lại có thể nhầm lẫn như vậy.
Và mới đây, John Havel - một cây viết khá tiếng tăm của The Hustle đã đưa ra một giả thiết bênh vực Steve Harvey. Đó là câu chuyện đến từ "thiết kế" trên tờ giấy báo kết quả - có quá nhiều khoảng trống.
Tờ kết quả trên tay MC Harvey trong đêm chung kết HHHV.
Vẫn biết những văn bản như vậy thường phải được thiết kế đơn giản, gọn gàng, nhưng trên hết vẫn cần đảm bảo đủ chức năng. Đặc biệt đối với một tờ giấy thông báo kết quả, thứ quan trọng nhất là thông tin nó đem lại phải thật rõ ràng. Người đọc sẽ chỉ quan tâm đến 3 thông tin: ai nhất, ai nhì, và ai về cuối cùng.
Thế nhưng, các thông tin quan trọng đó lại chiếm quá ít diện tích trên tờ giấy - theo tính toán thì chỉ... 5,8% tổng diện tích. Thậm chí, tờ thông báo này còn sai cả... chính tả nữa (Eliminination => Elimination).
Kích cỡ font chữ quá bé đã vô tình cản trở người đọc tiếp nhận thông tin.
Thêm nữa Steve lại thuận tay phải, khiến cho việc bỏ sót thông tin càng dễ xảy ra hơn.
Việc cầm kết quả bằng tay phải có thể đã vô tình che mất thông tin.
Vậy mẫu thiết kế nên như thế nào để tránh nhầm lẫn sau này?
Theo Havel, nếu như Steve nhầm lần là vì font chữ quá bé thì hẳn rồi, việc đầu tiên là phải tăng kích cỡ phông chữ lên. Hãy để những thông tin quan trọng phải thật nổi bật để không ai có thể bỏ qua.
Tiếp theo đó là thứ tự sắp xếp người đoạt giải cao nhất. Theo Havel, cách sắp xếp như vậy cũng phù hợp, nhưng tại sao lại phải đưa danh hiệu cao nhất xuống tận khu vực cuối cùng bên phải của tờ giấy? Về mặt nghệ thuật, cách làm này có thể đẹp hơn, nhưng xét về chức năng thì hoàn toàn không cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh font chữ vốn đã "bé tí tẹo".
Và đây chính là 2 cách thiết kế đơn giản nhất mà Havel đưa ra.
Mẫu thiết kế này rất phù hợp về mặt logic, và có thể đảm bảo rằng người đọc sẽ không bao giờ nhầm được.
Hoặc một lựa chọn hoa mỹ hơn...
Lựa chọn thứ 2 có phần hoa mỹ hơn, nhưng rõ ràng kích cỡ font chữ và cách sắp xếp logic hơn rất nhiều so với bản gốc. Ngoài ra, phần thông tin quan trọng nhất cũng chiếm tới 15% tổng diện tích tờ giấy.