Giới khoa học Anh đánh giá tốt về vaccine Nga

Kết quả thử nghiệm vaccine Nga ở giai đoạn 2 mới được công bố cuối tuần trước. Các nhà khoa học Anh đánh giá nghiên cứu vaccine Nga đáng khích lệ nhưng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko thông báo sớm nhất trong tuần này sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 Sputnik V.

Theo Hãng thông tấn TASS, Bộ Y tế Nga cũng chuẩn bị vào tuần tới sẽ cung cấp một số lượng hạn chế vaccine Sputnik V (mang tên Gam-COVID-Vac) để tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ cao ở các khu vực như bác sĩ và giáo viên.


Các nhà khoa học ở Trung tâm Gamaleya - (Ảnh: TASS).

Kết quả thử nghiệm vaccine Nga

vaccine Sputnik V do Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya ở Matxcơva phát triển với sự hỗ trợ của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).

Trung tâm Gamaleya đã bắt đầu tuyển dụng 40.000 người tình nguyện cho giai đoạn 3.

Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev cho biết đến nay đã có hơn 20 quốc gia đề nghị Nga cung cấp tổng cộng 1 tỉ liều vaccine Sputnik V.

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 hôm 11/8.

Tuy nhiên đến ngày 4/9, tạp chí y học The Lancet (Anh) mới công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Sputnik V.

Các nhà nghiên cứu của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế Nga đã tiến hành hai thử nghiệm trong bệnh viện với hai công thức khác nhau của vaccine Sputnik V trên 76 người từ ngày 18/6 đến 3/8.

Kết quả cho thấy hai điều: một là vaccine đã kích hoạt phản ứng miễn dịch và không gây phản ứng phụ nghiêm trọng, hai là toàn bộ những người tham gia đều sản sinh kháng thể trung hòa.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết chưa chứng minh vaccine Sputnik V bảo vệ hiệu quả chống virus SARS-CoV-2 lây nhiễm và đề nghị cần nghiên cứu trên quy mô lớn hơn.

Vaccine Nga đã tạo được kháng thể

Trả lời kênh truyền hình France 24 (Pháp), các nhà khoa học Anh đã khen ngợi vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V.

GS dịch tễ học Peter Openshaw ở Đại học London ghi nhận: "Vaccine Nga đã tạo ra một số lượng đáng kể kháng thể đối với COVID-19 như những gì xảy ra sau khi bệnh nhân nhiễm virus theo cách tự nhiên".

Ông đánh giá phản ứng miễn dịch này tương tự phản ứng do vaccine AZD-1222 của Đại học Oxford (Anh) phát triển và thậm chí còn mạnh hơn một chút, vì vậy đáng được coi là một trong những vaccine hứa hẹn nhất.

GS bệnh truyền nhiễm Brendan Wren tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London đánh giá: "Toàn bộ 76 người tham gia hai thử nghiệm lâm sàng của Nga đều phát triển nồng độ kháng thể cao sau khi được tiêm vaccine. Các nhà khoa học cũng kết luận không có phản ứng phụ đáng kể. Cho đến nay mọi thứ đều ổn".


Vaccine Sputnik V do Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya phát triển - (Ảnh: RDIF).

Số người tham gia thử nghiệm quá ít

Song song đó, GS Peter Openshaw cảnh báo cần thận trọng.

Đầu tiên, một số người tình nguyện bị sốt cao trên 39°C sau khi tiêm vaccine Sputnik V. Phản ứng phụ có thể chấp nhận được nhưng không hề nhỏ.

Ngoài ra, vaccine Sputnik V chỉ mới được thử nghiệm trên 76 người, con số quá ít để đưa ra kết luận cuối cùng.

GS Openshaw ghi nhận những người tình nguyện "đều dưới 60 tuổi và một phần là các quân nhân, có nghĩa họ không phải là những người có nhiều khả năng mắc bệnh cấp tính".

Vì vậy đến giai đoạn này chưa có kết quả đánh giá những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất sẽ phản ứng thế nào với vaccine Sputnik V.

Ông cảnh báo: "Nói chung kết quả đáng khích lệ và đủ để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trên số lượng người nhiều hơn. Nhưng đến giai đoạn này sẽ không khôn ngoan nếu tiến hành tiêm chủng ngoài quy trình lâm sàng".

Chưa rõ hiệu quả với người cao tuổi

Tạp chí The Lancet viết trong phần bình luận: "Việc thiếu thông tin nghiên cứu càng trở nên đáng lo ngại hơn khi Matxcơva thông báo vào cuối tháng 8 rằng vaccine Sputnik V sẽ được sử dụng từ tháng 10 hoặc tháng 11 cho người cao tuổi".

GS miễn dịch học Eleanor Riley tại Đại học Edinburgh nhận xét không rõ Nga có phân phối rộng rãi vaccine cho người dân trước khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 hay không.

GS Openshaw lưu ý: "Nếu vội vã có thể dẫn đến nhiều sai lầm, trong đó có sai lầm trong sản xuất và lây nhiễm mẫu ngẫu nhiên".

Chuyên gia chính sách y tế công cộng Michael Head tại Đại học Southampton cảnh báo: "Nếu bằng mọi giá muốn trở thành người đầu tiên có vắcxin, có thể phải trả giá bằng mạng sống".

Tháng 11/2020, Nga sản xuất vaccine thứ hai

Nga dự kiến vào tháng 11/2020 sẽ bắt đầu sản xuất vaccine thứ hai ngừa COVID-19. vaccine do Trung tâm Nghiên cứu virus và công nghệ sinh học quốc gia Nga (VECTOR) phát triển.

VECTOR bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với vaccine vào ngày 27/7 với 300 người tình nguyện từ 18-60 tuổi. Thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2020.

Cập nhật: 10/09/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video