Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch xây dựng một đội quân côn trùng để bảo vệ mùa màng nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, đây hoàn toàn có thể là âm mưu phát triển vũ khí sinh học thế hệ mới.
Theo Independent, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch nghiên cứu cách dùng côn trùng để phát tán một virus biến đổi gene lên các loại cây trồng như ngô, lúa mì nhằm tăng sức đề kháng và khả năng chống chọi với hạn hán và điều kiện khắc nghiệt.
Dự án này có tên Insect Allies do DARPA (Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu cao cấp về quốc phòng Mỹ) tài trợ với mục tiêu bảo vệ nguồn lương thực của nước Mỹ nếu có xảy ra biến cố. Có thể hình dung ý tưởng này là việc sử dụng các virus biến đổi gen để bảo vệ thực vật ngay lập tức trước các tác động bất lợi của môi trường.
Tuy nhiên, bất chấp mục đích tốt đẹp mà DARPA thuộc Bộ quốc phòng Mỹ và Lầu Năm Góc đưa ra, một nhóm nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nếu "quân đội côn trùng" này không thể kiểm soát hoặc bị lợi dụng cho mục đích chiến tranh sinh học.
Nếu "quân đội côn trùng" này không thể kiểm soát hoặc bị lợi dụng cho mục đích chiến tranh sinh học.
Về mặt lý thuyết, phương pháp trên của quân đội Mỹ có thể giúp cây trồng thích nghi được với các thay đổi bất ngờ của môi trường. Ví dụ, nếu cây trồng có gene chịu hạn, chúng có thể dễ dàng sống sót được qua mùa hạn hán.
Nhưng nếu nó được áp dụng trong thực tế, không ai dám chắc đội quân côn trùng kia có thể được kiểm soát trong khuôn khổ.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, dù hoạt động từ năm 2016 và chi hơn 27 triệu USD cho nhiều công trình khoa học nhưng DARPA vẫn thất bại trong việc chứng minh sự tồn tại và tính thực tiễn của một dự án như Insect Allies.
Tiến sĩ Guy Reeves, một chuyên gia về côn trùng biến đổi gene tại Viện Sinh học Tiến hóa Max Planck cho biết, tính đến nay vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu, thảo luận nào về công nghệ sử dụng côn trùng làm biến đổi gene cây trồng.
Reeves cũng nhấn mạnh, dù mục tiêu của dự án khá tốt đẹp nhưng rõ ràng, nếu để biến côn trùng thành một vũ khí sinh học vẫn sẽ dễ hơn nhiều so với phục vụ nông nghiệp. Ông cho rằng, việc hủy diệt cây trồng nhanh gọn hơn nhiều so với việc làm thuốc diệt cỏ hay kháng côn trùng.
Theo nhiều nguồn tin, các nhà khoa học của DARPA đã và đang bí mật thử nghiệm côn trùng biến đổi gene như bọ phấn trắng và rệp để truyền virus sang cây ngô và cà chua.
Felix Beck, một luật sư tại Đại học Freiburg, Đức khẳng định, ông và các chuyên gia khác không hề muốn tin Mỹ sẽ chế tạo vũ khí sinh học, nhưng rõ ràng biện hộ cho việc sử dụng côn trùng trong nông nghiệp là "không chính đáng".
- Thứ nhất, nếu họ muốn sử dụng virus biến đổi gen để cải thiện khả năng chống chịu thời tiết, môi trường cho cây trồng, tại sao họ không sử dụng các thiết bị phun thuốc?
- Thứ hai, DARPA nói rằng đội quân côn trùng sử dụng để tiêm virus biến đổi gene sẽ không thể sống sót quá 2 tuần, nhưng ai dám đảm bảo trong vòng 2 tuần đó, đội quân côn trùng không lây lan trên một phạm vi rộng lớn?
Sử dụng côn trùng đem lại nhiều lợi ích hơn so với dùng các thiết bị phun hóa chất.
Một câu hỏi khác mà Beck tỏ ra băn khoăn, đó là loại virus được chọn có thực sự nên được tiêm vào cây trồng hay không, bởi nếu chỉ có một bên là DARPA giám sát thì rất khó để chứng minh tính hiệu quả của virus đối với mọi loại cây trồng.
Nếu các nghi vấn của các nhà khoa học là chính xác thì chương trình Insect Allies của quân đội Mỹ chắc chắn sẽ vi phạm Công ước Vũ khí Sinh học của Liên Hợp Quốc.
Giáo sư Silja Voeneky, một chuyên gia về luật quốc tế tại Đại học Freiburg giải thích: "Vì lệnh cấm của Công ước nên bất kỳ nghiên cứu sinh học nào đều cần phải biện minh được tính hợp lý và phục vụ cho mục đích hòa bình".
Trong một diễn biến khác, một phát ngôn viên của DARPA đã lên tiếng bảo vệ chương trình, giải thích rằng việc sử dụng côn trùng đem lại nhiều lợi ích hơn so với dùng các thiết bị phun hóa chất, một phần bởi côn trùng không bị giới hạn quy mô và chúng có thể tiếp cận vào bên sâu thân cây trồng.
Mặc dù vậy, để tránh mọi nghi ngờ không đáng có liên quan đến mục đích quân sự, thiết nghĩ DARPA nên công khai tất cả nội dung chương trình để cả cộng đồng thế giới cùng giám sát.