Ngày 15/2, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiên Giang Composite (KGC) phối hợp tổ chức Hội thảo công nghệ quốc tế 2012, giới thiệu Dự án xử lý rác và sản xuất điện bằng công nghệ Plasma.
Một dây chuyền xử lý rác thải |
Đây là sản phẩm công nghệ cao, có nguồn gốc từ NASA, được các công ty công nghệ cao nổi tiếng của Mỹ như General Electric, Westinghouse, Alter NRG… ứng dụng, chế tạo thiết bị. Ứng dụng công nghệ Plasma là thực hiện một quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (7.000-9.000 độ C) nhằm biến các loại chất thải thành khí phân tử, nguyên tố (gọi là khí tổng hợp), hơi nước và chất xỉ bằng các thiết bị đặc biệt - gọi là thiết bị chuyển đổi Plasma.
Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC cho biết doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn tài chính cho dự án này vào khoảng 400 triệu USD, từ nguồn vốn đầu tư và kết hợp với các đối tác nước ngoài.
Dây chuyền thiết bị giai đoạn 1 của nhà máy có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất ra 1,6 triệu kWh điện/ngày, cung cấp 55% sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như gạch, đá xây dựng, đá xốp…
Theo tính toán, chi phí xây dựng nhà máy sẽ được hoàn lại trong vòng 8 năm kể từ khi khởi công. Theo ông Từ Ngọc Ẩn, nếu dự án được chấp thuận chủ trương, KGC sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 36 tháng nhà máy có thể được đưa vào vận hành.