Giường đa năng cho người bại liệt

Một “kỹ sư chân đất” ở tỉnh Vĩnh Phúc vừa chế tạo thành công chiếc giường di động tiện lợi cho người bị bại liệt. Chiếc giường có thể điều chỉnh theo nhiều tư thế như ngồi, nằm và chân người bệnh cũng có thể co duỗi một cách thoải mái.

Ông Lê Văn Phương (thôn Mậu Lâm, phường Khai Quang, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là cha đẻ của chiếc giường này. Sản phẩm được Liên hiệp các Hội KH - KT (LHH) tỉnh Vĩnh Phúc chọn tham dự Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2009 - 2010.

Ý tưởng từ lòng thương người

Từ ngày giới thiệu chiếc giường đa năng, đặc biệt là khi sản phẩm được LHH Vĩnh Phúc trao giải ba cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh năm 2008 - 2009, ông Phương bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Đến đầu thôn Mậu Lâm, hỏi ông Phương và chiếc giường đa năng thì ai cũng biết.
.
“Nhà sáng chế” này tâm sự từ thuở ấu thơ, ông chứng kiến mẹ mình vất vả chăm sóc bà ngoại nằm bất động trong căn buồng chật chội, thiếu ánh sáng và ít khi tiếp xúc với con, cháu. Bản thân ông cũng nhiều ngày vất vả chăm sóc bố với tình trạng tương tự. Khi lớn lên, ông chứng kiến nhiều trường hợp gặp tai nạn, phải nằm bất động chờ người thân chăm sóc, và nhiều mảnh đời éo le, bệnh tật đăng tải trên báo chí khiến ông không khỏi chạnh lòng. Họ đều có nỗi đau, nỗi buồn khi phải nằm một chỗ, phụ thuộc vào người khác… Ông mong muốn làm cái gì đó để giúp họ bớt đi nỗi đau, sống vui vẻ. Ý tưởng về chiếc giường đa năng ra đời từ hoàn cảnh đó.

Ông Phương (bên trái) đang giới thiệu về chiếc giường đa năng. Ảnh: Trung Kiên

Tuy vậy, phải đến năm 2006, qua nhiều lần vẽ đi vẽ lại ông Phương mới mường tượng ra hình dáng, mẫu mã chiếc giường. Chiếc giường này được thiết kế giống chiếc ghế tựa cỡ lớn, rộng chừng 1,2m, có thể di chuyển trên các bánh xe, cuối giường có đặt tấm gỗ ngang tạo thành bàn ăn khá tiện lợi.

Đang ngồi trên xe, ông Phương vòng ra phía sau, gạt phanh hãm, phần tựa lưng từ từ ngả xuống, phần để chân cũng nâng dần lên thành chiếc giường dài gần 2m. Ông Phương cho biết khi chuyển thành chiếc giường, người thân có thể cùng ngồi thăm hỏi, động viên và giúp người bệnh ăn uống, vệ sinh.

Phía dưới chiếc giường, ông Phương thiết kế bộ chậu phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Các bộ phận ghế tựa, lót ghế… có thể tháo rời để vệ sinh dễ dàng.

Tiếp tục cải tiến

Ông Phương cho biết sau khi chế tạo thành công chiếc giường này, ông đã nhận được nhiều lời đề nghị sản xuất đại trà và ông đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thuận tiện hơn cho người sử dụng. Ví dụ, phải thiết kế lại bộ điều khiển bánh xe bằng điện để người bệnh có thể tự di chuyển được. Theo ông, việc người bệnh tự di chuyển được sẽ giúp họ gần gũi với người thân và thoải mái hơn trong sinh hoạt.

Ông Phạm Huy Thụy, Phó chủ tịch LHH Vĩnh Phúc nhận xét, chiếc giường không chỉ hữu ích đối với bệnh nhân bại liệt mà còn giúp ích rất nhiều cho các thương bệnh binh và người tàn tật. Theo ông Phương, sản phẩm được gửi dự thi với mong muốn sẽ nhận được ý kiến đóng góp, đánh giá của các chuyên gia để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện. Ông hy vọng hoàn thiện chiếc giường để phục vụ cho đông đảo người dân.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video