Google đã chính thức từ chối yêu cầu của chính phủ Mỹ về việc cung cấp bản ghi lưu các kết quả tìm kiếm trên web.
Lời từ chối này được đề cập đến bên trong tài liệu mà Google đệ trình lên tòa án, nhằm phúc đáp lại đòi hỏi chính thức từ Bộ Tư pháp Mỹ. Bằng giọng văn đanh thép và rất cứng rắn, Google khẳng định yêu cầu này đã xâm phạm vào quyền riêng tư của người dùng, cũng như sẽ tiết lộ bí mật thương mại của Google cho các đối thủ của hãng.
Chưa hết, Google còn nói rằng việc cung cấp thông tin kiểu đó là hoàn toàn khả thi, và họ không thể đáp ứng được mong muốn của chính phủ.
Lập luận "mạnh bạo"
Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra yêu cầu đòi Google giao ra bản ghi lại các kết quả tìm kiếm trong vòng một tuần "Điển hình" từ cuối tháng Một vừa qua. Trước đó, bộ này cũng đưa ra yêu cầu tương tự với những đại gia net khác như Microsoft, AOL và Yahoo.
Ban đầu, Google chỉ phản đối yêu cầu này, nhưng phải đến hồ sơ đệ trình lên tòa án liên bang, Google mới chính thức từ chối. Dài tổng cộng 25 trang, hồ sơ đã sử dụng một ngôn ngữ rất cứng rắn và mạnh bạo để chỉ trích yêu cầu của Bộ tư pháp, vốn dựa trên cái lý là các quy định hiện tại (chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện) chưa đủ khả năng bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung bạo lực, khiêu dâm đang đầy rẫy trên mạng.
Thế nhưng, với tập tài liệu của mình, Google đã thẳng thừng tuyên bố họ không tin việc cung cấp bản ghi kết quả tìm kiếm có thể giúp chính phủ hiểu được hành vi trên mạng của người dùng.
"Yêu cầu này không những "dớ dẩn" mà còn rất vô lý", Google tuyên bố.
Dớ dẩn ở chỗ Google phải thường xuyên điều chỉnh các thuật toán đằng sau thư viện tìm kiếm, cho phép đưa ra các địa chỉ nhất định cho một từ khóa tìm kiếm cụ thể. Điều này có nghĩa là kết quả của một từ khóa tìm kiếm sẽ không thể giống hệt nhau giữa các tuần khác nhau.
Tiếp tục "mạch văn" đang... dạt dào, Google viết: "Người dùng Google tin tưởng rằng mỗi khi họ gõ một từ khóa vào hộp tìm kiếm, Google sẽ giúp họ giữ bí mật những thông tin này", và đây chính là một lý do thuyết phục để Google bác bỏ yêu cầu của Bộ tư pháp. Chống lưng ủng hộ cho lập trường của Google còn có Liên minh Tự Do công dân Mỹ, khi tổ chức này cũng ... lập một hồ sơ và đệ trình lên tòa, cáo buộc yêu cầu của Bộ tư pháp là "ví dụ mới nhất về sự quá đà của chính phủ, trong đó, chính phủ tin rằng họ có thể yêu cầu mọi công ty tư nhân cung cấp tất cả thông tin về khách hàng, chỉ với lý do "Họ cần những thông tin" đó".
Phiên tòa giải quyết vụ tranh cãi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/3 tới đây.
Thiên Ý