Các nhà khoa học Hà Lan đã nghiên cứu thành công máy tạo sóng thần lớn nhất hành tinh để chống lụt, hiện tượng mà người dân ở đây đối mặt trong vài nghìn năm qua.
Hà Lan chế tạo máy tạo sóng lớn nhất thế giới
Tới nay, làn sóng nhân tạo cao nhất mà chiếc máy này tạo ra là hơn 5 mét, nhưng các kỹ sư hy vọng sẽ sớm tạo ra những cột sóng cao hơn tại trạm tạo sóng vừa được hoàn thành, trị giá 29,3 triệu USD. Phát biểu với phóng viên Rebecca Morelle của kênh BBC, tiến sĩ Bas Hofland cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đã tạo ra làn sóng cao trên 5m, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những đợt sóng cao hơn như thế nữa".
Cột sóng cao nhất mà chiếc máy tạo sóng tạo ra là hơn 5 mét. (Ảnh: Daily Mail).
Delta Flume, tên của cỗ máy, tạo sóng bằng cách hút 9 triệu lít nước rồi bơm vào một bể chứa với tốc độ 1.000 lít mỗi giây. Sau đó nó đẩy nước vào một tường thép với chiều cao 10m. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể tạo ra những con sóng có cường độ tương tự như lúc biển lặng, biển động, thậm chí như khi có sóng thần.
Sau đó, con sóng sẽ được truyền qua một bể hẹp dài 300 mét và tác động vào một loạt hệ thống chống lũ, như đê điều, các đụn cát, đập và một số rào cản khác, để kiểm tra các hệ thống này có thể chống chịu tốt tác động của lực nước lớn hay không.
Mô hình toàn cảnh của máy tạo sóng Delta Flume. (Ảnh: Daily Mail).
Giới chuyên môn coi Hà Lan là quốc gia hàng đầu về công nghệ chống ngập. Họ từng áp dụng nhiều kỹ thuật đột phá như nhà nổi, xây nhà trên cột và thậm chí gây ngập một số khu vực để bảo vệ những vùng khác.
Lý do Hà Lan luôn rất chủ động trong công tác chống lũ là vì 2/3 diện tích nước này có nguy cơ chìm trong lũ lụt. Quốc gia nằm ở vị trí trũng sâu này đã bắt đầu nghiên cứu việc trị thủy từ hơn 1.000 năm trước, khi những người nông dân thời xưa xây dựng các tuyến đê để bảo vệ đất đai của họ.
Năm 1953, gần 2.000 người đã thiệt mạng khi đợt thủy triều cao và một cơn bão lớn tràn vào từ Biển Bắc, khiến1.500 km vuông đất bị ngập lụt. Sau đó, người Hà Lan đã xây dựng Delta Works, một mạng lưới các đập nước và rào cản, nhằm bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương nhất do lũ lụt.