Hạ nhiệt cho máy tính trong mùa hè

Những món “đồ chơi” độc đáo sau đây sẽ giúp người dùng máy tính hạ nhiệt cho chiếc máy tính thân yêu và chính mình trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè. 

Linh kiện máy tính khi hoạt động sẽ tỏa nhiều nhiệt và chúng chỉ có thể chịu được nhiệt độ nhất định. Xung nhịp bộ xử lý càng cao thì nhiệt năng tỏa ra càng lớn. Khi quá nóng, máy có thể bị treo hoặc tệ hơn là cháy hỏng những linh kiện, mạch điện tinh vi bên trong.

Trong khi nhà sản xuất như Intel hay AMD cố gắng cải tiến cấu trúc chip để giảm điện năng tiêu thụ và tỏa nhiệt thì người dùng đam mê tốc lại luôn đẩy con chip tới gần ngưỡng chịu đựng bằng các chiêu overclock.

Trăm thứ đồ nghề làm mát cho máy tính với giá bán từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng. Ảnh: Hưng Hải.

Cái nóng bất thường đôi khi lên tới trên 40 độ C vừa qua tại một số tỉnh ở Việt Nam có thể là mối nguy hại cho máy tính hoạt động trong điều kiện không có máy lạnh. Tuy nhiên, người dùng có thể chọn lựa những món “đồ chơi” dưới đây để hạ nhiệt cho chiếc máy tính thân yêu và chính bản thân mình.

1. Hạ nhiệt cho desktop

Bộ tản nhiệt nước "khủng long" của Thermaltake. Ảnh: Hưng Hải.

Trong chế độ hoạt động bình thường, nhiệt độ của chip cao hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài từ 10 – 15 độ C. Vì là “trái tim” của chiếc máy tính nên tản nhiệt cho chip được khá nhiều hãng chế tạo, nổi tiếng nhất là CoolerMaster, Gigabyte và Thermaltake.

Tản nhiệt chip loại này khá đa dạng cả về thiết kế lẫn kiểu dáng. Đơn giản nhất là loại giữ nguyên kiểu dáng nhưng sử dụng vật liệu đồng để tăng khả năng tản nhiệt so với nhôm của quạt đi kèm chip. Loại này chỉ khoảng từ 10 – 20 USD mỗi chiếc.

Phức tạp hơn là những bộ tản nhiệt nước hoạt động theo kiểu “điều hòa 2 cục” hầm hố: nhiệt độ của chip được “hút” vào một tản nhiệt bằng đồng gắn ở vị trí tản nhiệt bình thường. Hơi nóng sau đó được dẫn bằng ống nước ra bộ phận làm mát và hạ nhiệt bên ngoài vỏ máy chứ không thổi loanh quanh trong case bằng quạt gió theo kiểu thông thường. Thiết bị bên ngoài vừa là “máy lạnh”, vừa là máy bơm để bơm nước tản nhiệt lưu thông trong hệ thống. Cồng kềnh hơn nhưng tản nhiệt như vậy giúp ổn định nhiệt độ của cả hệ thống máy chứ không chỉ riêng con chip.

Ngoài con chip, mỗi linh kiện bên trong cũng có thiết bị tản nhiệt riêng. Các loại quạt cho ổ cứng, miếng tản nhiệt cho thanh RAM, … được bán với giá khoảng 25.000 – 30.000 đồng.

Hầu hết các loại tản nhiệt đều “ăn” điện từ bộ nguồn của máy. Người dùng cần trang bị bộ nguồn đủ khỏe để chịu tải cho quạt gắn thêm. Quạt thổi không khí từ trong case máy ra ngoài được bán với giá 15.000 – 50.000 đồng tùy loại, có thể gắn lên những vị trí sẵn sẵn có trên vỏ máy tính để lưu thông gió tốt hơn. Tuy nhiên, gắn càng nhiều quạt thì điện năng tiêu tốn càng nhiều và máy tính cũng ồn ào hơn khi vận hành.

2. Làm mát cho laptop 

Với 160.000 đồng, chiếc đế tản nhiệt cho laptop đồng thời là USB hub bổ sung khe cắm cho laptop.

Không giống như desktop, máy xách tay có kết cấu hoàn chỉnh về không gian trong máy và gần như không thể gắn thêm thứ gì bên trong. Bản thân máy cũng đã có hệ thống làm mát riêng theo thiết kế của nhà sản xuất. Một số laptop cũ có quạt gió chạy liên tục, nhưng những loại máy mới chỉ cho quạt gió chạy khi nhiệt độ trong máy đến mức độ nhất định. Phương pháp mới giúp tiết kiệm pin và giảm độ ồn khi vận hành. Sau một thời gian sử dụng, quạt gió có thể không còn tốt hoặc bụi bẩn làm giảm khả năng lưu thông gió bên trong, nhiệt độ khi vận hành laptop nóng hơn lúc mua mới.

Một số công ty Trung Quốc sản xuất loại đế tản nhiệt mới cho laptop, giá bán tại Việt Nam từ 160.000 đến 250.000 đồng mỗi chiếc tùy loại. Đây là những chiếc đế (dock) có khoảng 2-3 chiếc quạt lấy nguồn từ cổng USB liên tục thổi gió lên trên làm mát cho laptop. Một số có sử dụng nguồn ngoài để tiết kiệm pin máy tính, đồng thời kiêm luôn vai trò của USB hub mở rộng thêm số cổng USB trên laptop.

Tuy vậy, đế tản nhiệt kiểu này chỉ thổi gió làm mát bên ngoài chứ không hút không khí nóng bên trong máy tính ra. Vai trò tản nhiệt vẫn phụ thuộc chính yếu vào hệ thống làm mát bên trong. Để “chăm sóc” cho hệ thống này, người dùng có thể mua chiếc máy hút bụi cắm qua cổng USB (khoảng 50.000 đồng) để làm sạch đường lưu thông khí.

3. Làm mát cho người dùng 

Thiết bị làm sạch không khí của Thermaltake. Ảnh: XSoft Gear.

Trong tiết trời nóng bức, máy tính ậm ạch thì các biện pháp hạ nhiệt cho người dùng cũng sẽ là cần thiết để đảm bảo an toàn cho... máy tính. Một chiếc quạt nhỏ gắn vào cổng USB được bán với giá 80.000 đồng là phương tiện hữu hiệu để giảm bớt mồ hôi. Chiếc quạt tí hon này có cánh mềm an toàn, lấy nguồn từ USB và có thân mềm để chỉnh tới mọi góc độ. Một số loại còn được lắp thêm đèn led 7 màu vui mắt giúp người dùng “hạ hỏa”.

Hãng chuyên sản xuất đồ chơi máy tính Thermaltake đem lại sự sảng khoái cho người dùng máy tính bằng chiếc máy lọc không khí Ozone Air Cleaner lắp vừa khe 5 ¼ inch gắn ổ CD. Giá tại Việt Nam của thiết bị này vào khoảng 465.000 đồng. Khi hoạt động, chiếc máy thổi khí ozone vào không khí để khử vi khuẩn có hại, khử mùi làm trong lành không khí trở lại. Ozone Air Cleaner lấy không khí từ bên trong case máy nên cũng góp phần làm giảm nhiệt độ toàn máy.

Nếu máy tính thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nóng bức trong mùa hè này, bạn nên thử áp dụng một phương pháp làm mát phù hợp để không ảnh hưởng tới hoạt động của máy (nhiệt độ càng thấp thì bộ xử lý máy tính hoạt động càng nhanh và ổn định - NV). Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ máy tính trước những rủi ro hỏng hóc không đáng có do trời nóng.

Hưng Hải

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video