Vào mùa đông, nhiệt độ miền Bắc giảm mạnh khiến những bệnh liên quan tới thời tiết có thể bùng phát, đặc biệt là đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Theo thạc sĩ Lưu Liên Hương, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thời tiết chuyển lạnh đột ngột có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm người dân cần đề phòng.
Đột quỵ
Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này.
Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Khi trời lạnh, người dân thường ít vận động, dẫn tới tăng cân. Đây cũng là yếu tố có thể khiến huyết áp tăng và tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng nặng nề.
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo:
- Chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín gió; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, đi ra ngoài; nên lưu ý những thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm.
- Người mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.
- -Những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cần uống thuốc đúng giờ, đều đặn đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hoặc dùng thêm thuốc.
Để kịp thời giúp người thân được cứu sống và có cơ hội phục hồi khi bị đột quỵ, chúng ta cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong 3 giờ đầu (gọi là giờ vàng) kể từ khi xuất hiện các triệu chứng như đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn.
Khi trời lạnh, người đã có bệnh mãn tính thường ít vận động, dẫn tới tăng cân, khiến huyết áp tăng và tăng nguy cơ bị đột quỵ. (Ảnh: Rawpixel/unsplash).
Xương khớp
Mùa đông là thời điểm các bệnh xương khớp dễ phát triển. Nguyên nhân là không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức.
Căn bệnh gây đau nhức, đặc biệt là ở người cao tuổi, người bị bệnh loãng xương, người thừa cân béo phì. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến khớp bị thoái hóa, nhất là khớp chịu lực nhiều như khớp cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp cổ chân. Đau nhức xương khớp còn có thể làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương, gãy xương.
Dù có bệnh lý khớp từ trước hay không, trong mùa lạnh, người dân cũng cần giữ ấm cơ thể mình, trong đó đặc biệt lưu ý các khớp, nếu đã bị viêm khớp, thoái hóa khớp xương càng cần giữ ấm cơ thể và các khớp (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).
Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê mỏi xảy ra, nhất là khi ngủ dậy ở vị trí nào, người dân cần làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, thoa dầu, bóp dầu. Điều đó giúp các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp.