Sự hùng mạnh của đế chế Inca vĩ đại phần nào được xây dựng trên một quyền lực khủng bố độc ác và đáng sợ, mà 4 phần hài cốt vừa tìm được đã cho thấy.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện thứ mà họ mô tả là "một cái gì đó không ổn" trong ngôi làng cổ dưới chân một ngọn đồi thuộc hệ thống núi Andes hùng vĩ. Ngôi làng thuộc về đế chế Inca lừng danh (còn gọi là Incan hay Inka).
Đó là bốn hộp sọ người. Thông thường, hài cốt là thứ dễ thấy ở các khu định cư cổ đại. Tuy nhiên 4 hộp sọ ở tàn tích ngôi làng mang tên Iglesia Colorada có vài lỗ thủng kỳ lạ, nằm giữa nơi trông như… bãi rác cổ với nhiều mảnh vụn thức ăn, mảnh gốm bị vứt đi từ thời xa xưa. Hơn nữa, các nhà khảo cổ không thấy một mảnh xương nào thuộc về phần cơ thể còn lại, không có dấu vết của những ngôi mộ và không có đồ tùy táng – điều rất bất thường đối với phong tục người Inca.
Một trong các hộp sọ - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Nhóm nghiên cứu đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Santiago đã tiến hành đo tuổi xương và xác định 4 hộp sọ đều là nữ giới trẻ tuổi, có mật độ xương thấp chứng tỏ tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng. 3 hộp sọ thuộc về các cô gái 16-30 tuổi, trong khi cái còn lại là một cô bé chỉ 11-13 tuổi.
Một hộp sọ bị vỡ được gắn lại tạm thời - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Quá trình nghiên cứu tiếp sau đó đưa ra lời giải thích hết sức bi thảm. Những thiếu nữ này là kẻ thù của nhà cầm quyền trong khu vực. Họ bị giết chết, lấy sọ xâu thành một sợi dây rùng rợi dùng trong nghi lễ. Đó là lý do trên sọ có những cái lỗ kỳ lạ. Nhiều dấu vết trên xương cho thấy hành động lóc thịt và da một cách tàn bạo để láy hộp sọ.
Kim tự tháp Inca, một biểu tượng nổi tiếng - (ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC)
Theo các tác giả, đó là thứ "quyền lực khủng bố" mà triều đại Inca đó đã tạo nên để có thể áp đảo dân chúng và đe dọa các kẻ thù. Chỉ có hài cốt phụ nữ bị sử dụng có thể vì nam giới – vốn có sức lao động và chiến đấu – đã được để cho sống để làm nô lệ.
Rất may, thứ "quyền lực khủng bố" ấy chỉ gói gọn trong một triều đại chứ không lan ra toàn đế chế. Văn minh Inca phát triển từ đầu thế kỷ 13 và hưng thịnh suốt 1 thế kỷ sau đó.
Các phát hiện vừa công bố trên tạp chí khoa học Latin American Antiquity.