Một ngôi sao hiếm có đã được phát hiện ở nơi cách Trái đất 4.566 năm ánh sáng, cứ mỗi 15 năm lại tạo ra một màn pháo hoa đáng sợ, có thể được tạo ra bởi hành vi ma cà rồng.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Ruslan Konno từ Electron Synchrotron (DESY) ở Đức và HESS Collaboration đã nhìn vào hệ sao đôi RS Ophiuchi thuộc chòm sao Xà Phu và nhận thấy một trong 2 ngôi sao cứ 15 năm lại tạo ra một vụ nổ năng lượng.
Hệ thống kính thiên văn HESS đã thu được tín hiệu từ vụ nổ nhiệt hạch lạ thường, từ đó lần tìm đến ngôi sao đáng sợ - (Ảnh: HESS Collaboration).
Vụ nổ đó được xác định là do nó bị "nổ bụng" sau mỗi 15 năm tham lam hút vật chất từ người bạn đồng hành xấu số. Chỉ có 10 ngôi sao có hành vi tương tự từng được ghi nhận.
Ma cà rồng là một sao lùn trắng, còn nạn nhân là một sao khổng lồ đỏ giống như hầu hết các hệ nhị phân có ma cà rồng khác. Tuy nhiên điều độc đáo là thay vì ngôi sao lùn trắng đi đến cái chết vĩnh viễn dưới dạng siêu tân tinh (supernova), kéo theo vụ nổ kết thúc của cả bạn đồng hành, thì nó lại tạo ra các cú "ợ hơi" dưới dạng vụ nổ nova nhỏ hơn, và trở nên gần như bất tử.
Cụ thể, khi quay quanh nhau, sao lùn trắng với lực hấp dẫn đáng nể đã hút hydro và một số nguyên liệu khác từ sao khổng lồ đỏ. Vật chất này tích tụ quanh bề mặt sao lùn trắng và dần nóng lên. Theo chu kỳ, khối lượng vật chất trở nên đủ lớn để áp suất và nhiệt độ ở lớp dưới cùng đủ để kích hoạt vụ nổ nhiệt hạch, bắn tung những gì đã "ăn" trong 15 năm qua vào vũ trụ.
Nói là nhỏ, nhưng những vụ nổ nhiệt hạch cũng đủ mạnh mẽ để bắn các tia vũ trụ dưới dạng bức xạ gamma đi tứ phía, mạnh tới nỗi một thế giới cách chúng 4.566 năm ánh sáng như Trái đất vẫn thu được tín hiệu.
Hệ thống kính thiên văn HESS của HESS Collaboration, đặt tại Namibia, đã bắt được các tín hiệu bùng nổ này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science.