Các nhà khoa học Mỹ đang hoàn thiện công nghệ biến khí CO2 thành oxy trên sao Hỏa vào năm 2020.
>>Định cư trên sao Hỏa: Phải làm ra nước và dưỡng khí
Xe tự hành chứa máy tạo oxy phục vụ các phi hành gia trên sao Hỏa. (Đồ họa: NASA)
Các nhà khoa học ở Viện công nghệ Masachusetts, Mỹ đang phát triển một công cụ tên là Moxie. Công cụ mới này sẽ tạo khí oxy từ CO2 và đưa lên hành tinh đỏ trên một xe tự hành mới của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2020.
"Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thực sự sản xuất được oxy trên sao Hỏa", Tiến sỹ Jeffery Hoffman, cựu phi hành gia kiêm kỹ sư chế tạo máy cho biết.
Bầu khí quyển của Hỏa tinh có 96% là CO2 trong khi khí oxy chưa đầy 0,2%. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ chuyển hóa được CO2 thành ký oxy nguyên chất 99,6%. Để làm như vậy, cần hút CO2 từ môi trường xung quanh rồi cô lập các phân tử oxy, sau đó kết hợp chúng lại để tạo ra O2, không khí có thể thở được.
Công nghệ này không chỉ đóng vai trò quan trọng- giúp sản xuất khí thở trong du hành vũ trụ trương lai, mà còn giúp tiết kiệm nhiên liệu trong hành trình khứ hồi từ sao Hỏa về Trái Đất.
NASA dự kiến sẽ gửi một tên lửa rỗng cùng với Moxie lên sao Hỏa, trước khi đưa người lên đó, Business Insider cho biết. Máy tạo oxy sẽ mất khoảng một năm rưỡi để bơm vào tên lửa đủ oxy lỏng. Sau khi các phi hành gia đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa, họ sẽ có một tên lửa đầy ắp nhiên liệu và sẵn sàng đưa họ trở về Trái Đất.