Các nhà thiên văn học Mỹ phát hiện từ dữ liệu lưu trữ hai nguồn sáng bí ẩn lóe lên tổng cộng 6 lần và kéo dài trong một phút trước khi tan biến.
Một nhóm nhà thiên văn học do Jimmy Irwin ở Đại học Alabama, Mỹ, đứng đầu, tìm thấy hai nguồn tia X bừng sáng ở rìa hai thiên hà lân cận là Virgo (NGC 4636) và Centaurus A (NGC 5128). Kết quả nghiên cứu được công bố hôm qua trên tạp chí Nature, theo International Business Times.
Trước đây, các nhà khoa học phát hiện hai đợt lóe sáng tia X trong thời gian rất ngắn với độ sáng mạnh gần thiên hà NGC 4697. Irwin và đồng nghiệp quyết định tìm kiếm những đợt lóe sáng tương tự bằng cách kiểm tra lại dữ liệu quan sát 70 thiên hà gần dải Ngân Hà của đài quan sát tia X Chandra.
Nguồn phát tia X (khoanh tròn) gần ngân hà NGC 5128. (Ảnh: NASA).
Nhóm nghiên cứu xác định được thêm hai nguồn sáng. Một nguồn lóe sáng một lần trong khi nguồn còn lại lóe sáng 5 lần. Mỗi lần lóe sáng đều kéo dài chưa đến một phút và mờ nhạt dần trong khoảng một tiếng đồng hồ. Các tia sáng phát ra chói hơn mọi ngôi sao neutron. Đặt biệt, nguồn sáng dường như nằm lẫn giữa những thiên thể tồn tại lâu đời.
Thông thường, nguồn tia sáng có thể được nhận biết thông qua xem xét thời gian phát sáng và số lần lặp lại. Tia sáng không lặp lại và kéo dài khoảng một phút thường báo hiệu cái chết của một ngôi sao khổng lồ. Nhưng nguồn sáng phải nằm trong quần thể sao trẻ. Các tia sáng lặp lại cũng chỉ xuất hiện trong một số điều kiện nhất định mà nhóm nghiên cứu không tìm thấy ở nguồn tia X kỳ lạ vừa phát hiện.
Các nhà nghiên cứu nhận định nguồn tia X có thể là một hố đen đang trải qua quá trình vận động nào đó. "Khả năng đầu tiên như nhóm tác giả nghiên cứu đưa ra, là có một hố đen khối lượng trung bình (lớn gấp 100-1000 lần Mặt Trời) ở trung tâm mỗi nguồn sáng. Vì lý do nào đó, chúng phát ra những tia X trong thời gian khoảng một tiếng. Khả năng khác là một hố đen khối lượng thấp chiếu thẳng tia X đến Trái Đất. Một hệ sao nhị phân với quỹ đạo khó dự đoán có thể dẫn đến những tia sáng lặp lại từ nguồn gần NGC 5128", Sergio Campana, nhà nghiên cứu ở Viện vật lý thiên văn Italy, cho biết.
Campana cũng nhấn mạnh cần thực hiện nhiều quan sát hơn để lý giải về các tia X, đặc biệt là tần suất lặp lại của chúng.