Hầm Tận thế vừa được bổ sung thêm 20.000 loài cây đến từ 100 quốc gia, trong nỗ lực bảo vệ sự đa dạng sinh học của thế giới một khi thảm họa ập xuống địa cầu.
Người Nhật hẳn không còn phải lo sợ viễn cảnh thiếu tương miso trong trường hợp thảm họa xảy ra. Hạt giống của thành phần chính tạo nên món gia vị ngon lành trên đang yên vị trong ngân hàng cây giống được gọi là “hầm Tận thế” ở Bắc Cực xa xôi.
Những giống khác nhau của loài lúa mạch Nhật Bản, được dùng để chế từ tương miso đến bia, đã bổ sung vào kho gồm 800.000 loài cây khác nhau, được thu thập suốt 6 năm qua và lưu giữ trong hầm Hạt giống toàn cầu Svalbard trên hòn đảo ở cực bắc Na Uy. Trong số 20.000 loài được nhập kho lần này còn có cây mướp tây đỏ cực hiếm đến từ Tennessee (Mỹ), một loại đậu Brazil, 195 mẫu khoai tây dại và cà chua đỏ tên “Unger’s Hungarian” của Mỹ.
Hầm Tận thế nằm sâu trong lòng núi - (Ảnh: www.regjeringen.no)
Tờ The Independent dẫn lời Marie Haga, Giám đốc điều hành của Quỹ đa dạng cây trồng toàn cầu, cho hay những thành viên mới được bổ sung có độ đa dạng sinh học cao, thu thập từ 100 nước trên thế giới. Hiện các chuyên gia đang nỗ lực chạy đua chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, có thể hủy hoại hoa màu trên toàn cầu. Sự đa dạng của các giống cây trồng đóng vai trò hết sức chủ chốt cho tương lai của nền văn minh nhân loại.
Hầm Tận thế, chi phí xây dựng 9 triệu USD, được thiết kế để bảo vệ cây giống trước các mối đe dọa trên, có thể trụ được trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, tiểu hành tinh tấn công trái đất hay thời tiết chuyển biến khắc nghiệt. Bên trong cánh cổng được đào xuyên lớp đá trên hòn đảo gần Bắc Cực, một đường hầm dài 125m chạy thẳng vào lòng núi. Cuối đường hầm là 4 lớp cửa ngăn không khí, khóa kín 3 hầm chứa mẫu vật. Nơi đây có đủ không gian để lưu giữ đến 2 tỉ hạt giống trong nhiệt độ -18 độ C. Do hầm Tận thế được xây dưới lớp băng dày, mẫu vật vẫn có thể được bảo quản tốt trong trường hợp mất điện.
Tầm quan trọng của hầm Tận thế đã được chứng minh sau một vụ thiên tai, cụ thể là thảm họa kép động đất/sóng thần vào năm 2011 tại Nhật Bản. Ngay sau đó, các chuyên gia thuộc Trung tâm phôi sinh chất Barley (Đại học Okayama) phát hiện các ngân hàng giống cây trồng của họ dường như không đủ an toàn một khi thiên tai xảy ra. “Nếu có chuyện xấu xảy ra đối với ngân hàng gene của chúng tôi, những cây giống này có thể bị hủy hoại vĩnh viễn”, theo Giáo sư Kazuhiro Sato.
Do vậy, bên cạnh việc cấp tốc nhân giống 575 mẫu vật, các chuyên gia Nhật gửi mẫu đến hầm Tận thế tại đảo Na Uy. “Barley không những đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm thế giới. Chúng tôi cần phải làm mọi thứ để bảo đảm các thế hệ tương lai vẫn sở hữu được những loại cây trồng này”, Giáo sư Sato nói.