Từ những năm 1950, nhiều đoàn thám hiểm từ nhiều quốc gia đặt chân lên Nam cực. Đến nay, 53 trạm nghiên cứu được xây dựng lên tại đây ở nhiều vị trí khác nhau, hình dáng khác nhau và mục đích khác nhau.
Dưới đây là một số trạm tiêu biểu:
1. Trạm Công chúa Elisabeth, Bỉ
Được đưa vào sử dụng ngày 15-2-2009, Trạm Công chúa Elisabeth là trạm nghiên cứu vững chắc, năng suất cao, chỉ mở cửa vào mùa hè.
Trạm hoạt động nhờ một hệ thống kiểm soát năng lượng phức tạp, với máy phát điện hoạt động bằng năng lượng mặt trời công suất 52kWh và máy phát năng lượng gió công suất 54kWh.
2. Trạm Sanae IV, Nam Phi
Sanae IV là trung tâm nghiên cứu hiện nay của Đoàn thám hiểm Nam cực Nam Phi, được hoàn tất năm 1997.
Là trung tâm nghiên cứu "cao tuổi" nhất trong số các trạm nghiên cứu thế hệ mới, vị trí của Sanae IV khá bất lợi về kỹ thuật: nằm cách rìa đại lục này khoảng 80km và cách rìa khối băng Nam cực khoảng 160km.
Tuy nhiên vị trí này đã biến trạm thành địa điểm lý tưởng cho các nhà nghiên cứu "dò" những cơn địa chấn nhạy cảm cũng như GPS.
3. Trạm Neumayer III, Đức
Tất cả trạm nghiên cứu Nam cực được thiết kế gần đây đều nằm ở nơi cao ráo và cách xa mặt đất, giúp chúng tránh được những đợt tấn công của bão tuyết khi mùa đông đến. Trạm Neumayer III là một điển hình.
Trạm được xây ở độ cao 6m so với mặt đất, đứng vững nhờ 16 chân chống hết sức chắc chắn. Các chân chống được bố trí trên bề mặt tuyết rắn chắc, còn thiết bị kỹ thuật được đưa vào trong một hang tuyết nằm trước trạm.
4. Trạm Halley VI, Anh
Halley VI là trạm nghiên cứu Nam cực có lịch sử lâu đời: các nhà khoa học đã làm việc tại đây được 54 năm. Lỗ thủng tầng ozon được phát hiện lần đầu tiên tại đây.
Việc theo dõi tình trạng tầng khí quyển đòi hỏi phải có địa điểm quan sát ổn định. Tuy nhiên khó mà đạt được điều này bởi khối băng Nam cực luôn di chuyển, do vậy trạm Halley cũ đã bị bỏ đi để xây trạm mới.
Trạm Halley mới trông giống một ôtô cắm trại khổng lồ. Khi khối băng di chuyển, các bánh xe sẽ kéo trạm trở lại vị trí ban đầu thay vì đi theo khối băng.
5. Trạm Concordia, Pháp-Ý
Trạm Concordia hoạt động vào năm 2005, nằm ở độ cao 3.233m so với mực nước biển tại một vị trí được gọi là Dome C trên cao nguyên Nam cực.
Concordia là trạm nghiên cứu thứ ba cố định và hoạt động cả năm tại cao nguyên Nam cực, ngoài Trạm Vostok (Nga) và Amundsen-Scott (Mỹ), được điều hành bởi các nhà khoa học Pháp và Ý.
6. Trạm Amundsen-Scott, Mỹ
Trạm Amundsen-Scott đặt theo tên hai nhà thám hiểm Roald Amundsen và Robert F. Scott - tới Cực nam vào tháng 12-1911 và tháng 1-1912.
Là trạm nghiên cứu lớn nhất nằm sâu trong lãnh thổ Nam cực, mất 12 mùa hè Amundsen-Scott mới được xây xong. Nó có thể chứa 150 nhà khoa học và nhân viên giữ trạm.
Thoạt nhìn, Amundsen-Scott trông giống cánh máy bay nằm trên 35 giá đỡ. Thiết kế này giúp trạm tránh được hiện tượng tích tụ tuyết. Nếu lượng tuyết tích tụ bên dưới trạm quá dày, hệ thống giá đỡ có thể nâng toàn bộ trạm lên ở độ cao tương đương tầng hai của một tòa nhà.
Nguồn: Xinhua