Trưởng nhóm nghiên cứu nói trên, nhà khoa học Lim Gio-bin cho biết chú lợn đực nhân bản được đặt tên Xeno đã chào đời ngày 3/4. Các nhà khoa học đã tiến hành biến đổi gen để Xeno không còn gen "alpha-gal" gây phản ứng đào thải khi cấy ghép.
Nhóm nghiên cứu được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ này, gồm các nhà khoa học đến từ 4 trường đại học và hai viện nghiên cứu, đã sử dụng tế bào gốc của gần 100 con lợn nhỏ hơn bình thường để nhân bản 4 con, nhưng chỉ có Xeno sống được. Hiện nhóm này đang tiếp tục nhân bản một con lợn cái.
Theo ông Lim Gio-Bin, nhóm của ông đã áp dụng công nghệ gần giống công nghệ mà các nhà khoa học Mỹ đã áp dụng năm 2002 để nhân bản lợn vô tính, trong đó loại bỏ một bản sao của gen gây phản ứng đào thải.
Một cơ thể tiếp nhận 2 bản sao của một gen, gồm một bản sao của mẹ và một bản của cha. Các nhà khoa học đã cố gắng nhân bản lợn không có cả hai bản sao này, song đến nay chưa thu được kết quả.
Ông Lim Gio-bin khẳng định việc ông và các cộng sự nhân bản thành công Xeno đã đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ hai thế giới sau Mỹ về nhân bản lợn vô tính. Ông cho rằng phương pháp nhân bản của nhóm ông ưu việt hơn so với phương pháp của các nhà khoa học Mỹ, và kết quả này sẽ giúp họ tích lũy kiến thức để nhân bản những con lợn nhỏ chất lượng cao.
Ông cũng cho biết sẽ cùng các cộng sự tiến hành thử nghiệm cấy ghép nội tạng của loại lợn này cho người vào năm 2012 và có thể bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ này vào năm 2017./.