Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản cho thấy, nếu một gen đột biến nằm trên nhiễm sắc thể X phát huy tác dụng, tỷ lệ sinh của chuột nhân bản vô tính tế bào soma sẽ giảm sút.
Ngược lại, nếu gen này mất tác dụng, tỷ lệ sinh của chuột nhân bản vô tính lại tăng cao.
Nhân bản vô tính tế bào soma ở động vật là hiện tượng chuyển nhân của một tế bào soma trong da của một cá thể vào một tế bào trứng đã được loại bỏ nhân tế bào, sau đó cấy phôi đã được sinh ra vào trong tử cung của cá thể mẹ khác, và cuối cùng sản sinh động vật nhân bản vô tính có cùng thông tin di truyền với động vật đã cung cấp tế bào soma.
Khi phân tích gen của phôi chuột đã được nuôi cấy bằng công nghệ nhân bản vô tính, các nhà khoa học phát hiện trên nhiễm sắc thể X (là một trong những nhiễm sắc thể giới tính), gen đột biến Xist đã phát huy tác dụng. Xist là một loại gen có khả năng gây ức chế chức năng của các gen khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành làm mất tác dụng của gen Xist trên chuột, sau đó tiếp tục sử dụng tế bào soma của chuột để nuôi cấy phôi nhân bản vô tính. Kết quả cho thấy tỷ lệ sinh của chuột nhân bản vô tính đã gia tăng và tăng gấp 8 đến 9 lần so với trước kia.
Các nhà khoa học cho biết tương lai công nghệ này sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi.