Những chiếc điện thoại, laptop, màn LCD… đời mới long lanh từng chỉ là mơ ước của nhiều người nhưng giờ đây, mức giá “mềm nhũn” của chúng đã biến giấc mơ sang trọng này thành sự thật. Thực tế, không ít loại đã được "mông má" bằng nhiều chiêu thức.
Đẹp và rẻ là mục tiêu mà các cơ sở kinh doanh luôn hướng tới và cũng là tiêu chí mua sắm của khách hàng. “Tôi đang băn khoăn giữa hai nơi bán Nokia N72”, chị Lê Thanh Hương, người mua sắm tại một cửa hàng điện thoại trên phố Bà Triệu (Hà Nội), cho biết. “Ở đây giá gần 5,2 triệu đồng, nhưng nơi khác giá tới 5,8 triệu, mà chỗ này cũng bảo hành 12 tháng. Nếu chất lượng như nhau thì tôi dại gì mua hàng đắt tiền”.
“Giá rẻ chắc là do họ có quan hệ tốt với nhà sản xuất, mua nhiều thì được giảm nhiều thôi”, anh Nguyễn Mạnh Thắng, chủ cửa hàng nước mía trên đường La Thành, phỏng đoán. “Thời buổi cạnh tranh mà, ai trường vốn thì thắng”.
Lập luận để có lý do hay phân vân, thậm chí hoang mang, là những cảm xúc của khách hàng khi mua sản phẩm công nghệ. Họ có thể sẽ “choáng” hơn khi chứng kiến một tay thợ khéo léo “mông má” loại hàng này.
Chiêu tìm hàng chợ
Nguồn kiếm hàng của dân kinh doanh IT khá phong phú, chủ yếu nhất vẫn là đồ Trung Quốc đánh từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội, tập kết ở bến sông Hồng - một "đại bản doanh" trốn thuế có kho bãi hẳn hoi. Linh kiện giá rẻ của Trung Quốc đa dạng chủng loại, từ vỏ máy laptop, điện thoại xanh đỏ... phục vụ nhu cầu trang trí đến hàng nhái y như thật, từ ruột điện thoại di động, pin, vỏ, màn hình LCD... đến linh kiện máy tính, TV. "Ở đây hàng gì cũng có, đồ Trung Quốc đã rẻ, trốn thuế được càng rẻ nữa", Thắng, tay bốc vác chuyên nghiệp cho một ông chủ người Hoa, nói. "Nhưng làm nghề cũng vất vả lắm, đổ mồ hôi, đổ máu như chơi ấy chứ".
Một nguồn nội địa khác có được là từ "hàng cũ giá cao". Khi người dùng chán vì máy hỏng lên xuống nên chỉ muốn tống khứ chúng đi bằng bất kỳ giá nào. "Chiếc Nokia 3230 của tôi bị lỗi trắng xóa màn hình. Giờ ai mua bao nhiêu cũng phải bán. Hồi đầu tiên mới ra, nó có giá hơn 5 triệu đồng", Nguyễn Minh Hằng, một sinh viên Bách Khoa Hà Nội, than thở. Gặp khách như vậy, cửa hàng thường "hét" giá màn hình LCD (tầm 1 triệu) hoặc sửa chữa rất cao để khách nản lòng bán vội (nếu họ chấp nhận thì càng lãi). Lúc này, thợ sẽ thay màn hình mới (từ hàng Trung Quốc hay điện thoại cũ hỏng khác, tính ra chỉ khoảng 100 nghìn đồng) và bày bán với giá thấp hơn hàng hiệu một nửa hoặc 70% là có thể thu lời.
Mánh lên đời đồ kiếm lãi
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Cao cấp hơn, một số tay “phù thủy” còn có những độc chiêu “độ” lại phần cứng để nhái những dòng sản phẩm đang bán chạy. Ví dụ, hiện nay trên thị trường TP HCM xuất hiện dòng màn hình nhái LCD 17 inch 740N của Samsung mà ngay cả dân trong nghề cũng phải chào thua, không phân biệt nổi. Dòng sản phẩm chính hãng này đang bán rất chạy trên thị trường với giá 220 USD nhưng nhiều cửa hàng vi tính chỉ bán 190-195 USD. Đơn giản đây là hàng được “lên đời”. Nếu họ “nhái” bề ngoài thì chỉ qua mắt được dân "mù" về công nghệ, còn gặp người có chút hiểu biết thì chào thua: chỉ cần test màn hình sẽ biết xuất thân của dòng màn hình này ngay. Chính vì lẽ đó, sau khi chọn màn hình second-hand có kiểu dáng giống như Samsung 740N, các “phù thủy” còn can thiệp bằng cách thay đổi dữ liệu nhà sản xuất trong ROM để qua mắt người mua.
Không chỉ lên đời vỏ ngoài, phần cứng cũng được chú tâm. Những chiếc laptop dùng bộ vi xử lý Celeron M, Pentium IV sẽ được nâng cấp để lừa những ai lơ mơ về công nghệ. Thường những dòng laptop này chỉ có giá 400-600 USD nhưng sau khi được thay bằng Centrino sẽ được bán từ 750 đến 850 USD. Lợi dụng điều đó, một số người mua laptop Celeron M rồi thay bằng Pentium M Centrino. Lợi nhuận ở chỗ là giá 2 loại CPU này chênh lệch chỉ khoảng 50-70 USD, nhưng laptop lên đời sẽ được bán với giá chênh lệch có thể lên đến 100-200 USD nếu gặp khách không thành thạo. Họ còn “săn” những tem hàng hiệu để dán lên máy như để làm bằng. Chỉ cần vào trang web 5giay hoặc ghé đến một cửa hàng "chuyên" trên đường Bùi Đình Túy (TP HCM) là khách có thể tậu ngay cho mình những con tem hàng hiệu với giá chỉ có 9.500 đồng.
Đánh vào tâm lý chuộng “hàng độc”, nhiều cửa hàng trên đường Hùng Vương (TP HCM) sưu tầm dòng điện thoại Sharp 902 rồi khoác cho nó lớp áo màu đỏ huyền thoại của dòng xe Ferrari và gắn logo Ferrari vào thân máy rồi rao bán đây là dòng điện thoại xế hộp Ferrari Sharp 902 Limited Edition mới được xách tay về Việt Nam.
"Cái gọi là 'hàng xách tay' nguyên bản giờ chỉ tin được người thân quen thôi", anh Hoàng Minh Hùng, một đầu nậu hàng xách tay ở Hà Nội vừa "nghỉ hưu", tiết lộ. "Nhiều thợ xoay sang lên đời hàng chợ, bọc cho chúng cái vỏ xịn, đẩy cấu hình lên cao một chút là kiếm được tiền chênh lệch rồi".
Ví dụ, họ thường chọn loại laptop xách tay từ Mỹ dạng "bèo" với ổ cứng 20 GB, RAM 256 MB, chip Pentium M nhưng có thể "lên đời" bằng ổ 40-60-80 GB, RAM 512 MB đến 1 GB, chip Centrino. Khi chọn lựa, khách hàng thường hoa mắt vì cấu hình và sẵn sàng chấp nhận giá cao. Tuy nhiên, các tay đầu nậu lên đời bộ phận này thường "luộc" thiết bị khác. Bộ pin khoảng hơn 100 USD chính hãng thường bị thay bằng hàng nhái, hàng cũ chỉ khoảng 10 USD. "Khi tôi mới dùng, pin chạy được hơn 2 giờ nhưng chỉ sau một tháng, nó hết sạch sau 20 phút", anh Phan Văn Thái, người mua laptop xách tay từ dân "nghề" tại một quán cà phê Wi-Fi, than thở. "Khi mang đi kiểm tra tôi mới biết đó hàng là Trung Quốc nhái".
Trông người mà ngẫm đến ta
"Trừ dân trong nghề, khách muốn mua hàng xịn thì cố gắng đợi người nhà ra nước ngoài nhờ họ vào chính hãng để kiếm", anh Hoàng Minh Hùng tư vấn thêm. "Còn mua trong nước thì nên tìm hiểu hệ thống phân phối của nhà sản xuất để tránh bị lừa. Hy vọng khi vào WTO thì cách thức kinh doanh rõ ràng hơn để người dùng không bị thiệt. Qua mặt được người khác trong nghề này nhưng ở lĩnh vực khác cũng có thể bị lừa như chơi".
“Nhìn báo giá hàng điện tử ở Việt Nam, tôi phải thắc mắc rất nhiều. Cũng là một nhãn hiệu, nhưng tôi không biết hàng được sản xuất tại đâu, chưa kể các mức giá khác nhau mà mỗi cửa hàng đưa ra để cạnh tranh nhau”, chị Trần Ngọc Diệp, kỹ sư của công ty môi trường Hà Nội, phàn nàn.
“Khi tôi sang Nhật, các cửa hàng của họ ghi rất rõ ràng xuất xứ sản phẩm, các mức giá khác nhau đều có lý do. Ví dụ: Mua hàng trên Internet thì rẻ hơn vì họ trừ phí thuê showroom, khuyến khích thương mại điện tử. Còn khi mua tại quầy, người bản xứ mua ở mức giá thông thường, người nước ngoài có trình hộ chiếu sẽ được giảm % để kích thích mua sắm của khách du lịch”, chị Diệp cho biết. “Còn hàng cũ của họ đều ghi thời gian đã sử dụng, bộ phận nào hỏng hóc".
Thanh Hải - Tấn Anh