Hàng trăm nghìn cua "hóa thạch sống" bò vào bờ đẻ trứng

Hàng trăm nghìn con sam biển - loài được mệnh danh là "cua hóa thạch sống" lũ lượt đổ vào vịnh Delaware để đẻ trứng khi thủy triều lên cao trong tháng 5 và tháng 6.


Sam biển vào bờ đẻ trứng. (Video: AFP)

Các nhà khoa học và tình nguyện viên đến một bãi biển được bảo vệ dọc vịnh Delaware để khảo sát sam biển hay còn gọi là cua móng ngựa đẻ trứng với số lượng hàng trăm nghìn con tại bờ Đông nước Mỹ từ cuối mùa xuân đến đầu mùa hè. Nhóm nghiên cứu đặt một khung đo trên cát, đếm số cá thể bên trong để đưa ra ước tính về số lượng, đồng thời giúp những con vật bị lật ngược do thủy triều dâng cao. Việc tuyển các nhà khoa học công dân giúp thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đồng thời mở rộng bộ dữ liệu của chính phủ, theo nhà khoa học môi trường Taylor Beck trong dự án khảo sát.

Với lớp vỏ tương tự chiếc mũ bảo hiểm, phần đuôi giống gai nhọn và 5 cặp chân nối liền với miệng, sam biển (Limulidae) không có vẻ ngoài dễ thương. Nhưng do máu màu xanh sáng của chúng đông lại khi tồn tại thành phần độc hại gọi là nội độc tố vi khuẩn, sam biển đóng vai trò thiết yếu đối với kiểm tra độ an toàn của sản phẩm y sinh từ thập niên 1970, thay thế thử nghiệm trên thỏ. "Chúng không đáng sợ chút nào. Chúng chỉ trải qua một ngày của chúng, cố gắng tạo ra nhiều sam biển hơn", Laurel Sullivan, nhân viên giáo dục cộng đồng về động vật không xương sống, cho biết.

Trong suốt 450 triệu năm, sam biển lang thang ở các đại dương trên Trái Đất. Giờ đây, loài vật "hóa thạch sống" này nằm trong danh mục dễ tổn thương ở châu Mỹ và nguy cấp ở châu Á, kết quả từ tình trạng mất môi trường sống và thu hoạch quá mức để sử dụng làm thức ăn, mồi nhử và trong ngành công nghiệp dược phẩm. Dù tên gọi tiếng Anh của sam biển có nghĩa là "cua móng ngựa", trên thực tế chúng có họ hàng gần với nhện và bọ cạp hơn, bao gồm 4 phân loài, một phân loài sống ở bờ Đông và vùng Vịnh của Bắc Mỹ, 3 loài còn lại phân bố ở Đông Nam Á.


 Trên bờ, sam cái đẻ ổ trứng 5.000 quả to cỡ quả bóng golf để con đực thụ tinh.

Cua móng ngựa Đại Tây Dương có 10 con mắt và kiếm ăn bằng cách đè con mồi như giun và nghêu giữa những chiếc chân, sau đó đưa thức ăn vào miệng. Sam đực nhỏ hơn nhiều so với con cái. Chúng bò theo nhóm khoảng 15 con khi sinh sản. Con đực ghép đôi với con cái trong lúc tiến vào bờ. Trên bờ, sam cái đẻ ổ trứng 5.000 quả to cỡ quả bóng golf để con đực thụ tinh. Hàng triệu quả trứng nhỏ màu xanh lá cây nằm rải rác trên bãi biển, trở thành nguồn thức ăn quan trọng cho chim di cư.

Nivette Perez-Perez, quản lý khoa học cộng đồng ở Trung tâm vịnh nội hải Delaware, chỉ vào một dải trứng khổng lồ trải rộng gần như cả bãi biển ở Khu bảo tồn sinh thái James Farm Ecological Preserve. Nhiều con chim hải âu mỏ cam tranh thủ sà xuống ăn trứng. Sinh sản rất nguy hiểm đối với sam biển bởi chúng dễ tổn thương nhất khi ở trên biển. Khi thủy triều tràn qua, một số con không may lật ngửa. Khoảng 10% số lượng sam biển chết mỗi năm do nằm phơi bụng dưới ánh Mặt Trời. Năm 1998, Glenn Gauvry, nhà sáng lập Tổ chức nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái, khuyến khích người dân góp sức bằng cách lật những con sam còn sống trở lại, giúp tăng cơ hội sinh tồn cho loài này.

Mỗi năm, khoảng 500.000 con sam được thu hoạch và lấy máu để chiết hóa chất mang tên Limulus Amebocyte Lysate, đóng vai trò quan trọng giúp kiểm tra một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn thuốc, kim tiêm và thiết bị y tế. Ước tính tỷ lệ sam biển tử vong trong quá trình là 15%, những con sống sót sẽ được thả về biển.

Cập nhật: 05/07/2022 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video