Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển và thử nghiệm một loại vaccine có thể biến đổi gene ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, giúp con người tránh nhiễm căn bệnh này khi bị muỗi đốt.
Bệnh sốt rét là một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất hiện nay. Căn bệnh này lây truyền qua vết đốt của muỗi Anopheles cái bị nhiễm bệnh (vật trung gian truyền bệnh sốt rét).
Chúng đưa các ký sinh trùng có trong nước bọt vào hệ thống tuần hoàn trên người, gây sốt, nhức đầu, ớn lạnh thậm chí có thể gây hôn mê và tử vong nếu không được điều trị.
Theo ước tính của các nhà khoa học dựa vào một báo cáo của WHO vào năm 2021 về căn bệnh này, cứ khoảng 60 giây lại có một người tử vong vì nhiễm bệnh sốt rét.
Việc xóa bỏ một số gene trong virus có thể giúp con người tránh nhiễm bệnh sốt rét khi bị muỗi đốt. (Ảnh: Getty).
Nhận thấy được sự nguy hiểm này, một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên Cứu Trẻ em Seattle, Washington và Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã nghiên cứu một loại vaccine thử nghiệm có tên PfGAP3KO, sử dụng hệ thống chỉnh sửa gene CRISPR hoạt động như một loại kéo phân tử để cắt các phần ADN mã hóa cho các gene rối loạn chức năng và gây bệnh.
Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch sớm
Các nhà nghiên cứu nhận định, ký sinh trùng sốt rét được biến đổi gene là một nền tảng tiềm năng để tạo ra vaccine phòng bệnh sốt rét thông qua việc xóa gene gây bệnh của virus.
Khi sinh vật trung gian (muỗi) truyền virus gây bệnh vào con người, ký sinh trùng (Plasmodium falciparum) sẽ di chuyển đến gan và sinh sôi nảy nở tại đây.
Ở giai đoạn đoạn này, con người không có triệu chứng; và chỉ cảm nhận được khi virus thoát khỏi gan và lây nhiễm sang các tế bào hồng cầu trong máu.
Xác định được vấn đề, các nhà khoa học đã cố gắng hành động trước giai đoạn này, nhờ CRISPR sẽ cắt bỏ các DNA mã hóa cho các gene rối loạn chức năng hoặc gây bệnh.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện xóa bỏ ba gene bao gồm gene P52, P36 và SAP1 của ký sinh trùng. Kết quả cho thấy, virus không thể sinh sản trong gan và xâm nhập vào các tế bào hồng cầu.
Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm bằng cách để cho muỗi mang virus được biến đổi gene đốt lên những cánh tay nhằm theo dõi khả năng mắc bệnh sốt rét của những người này (Ảnh: NPR).
Các nhà nghiên cứu tin rằng, vaccine loại này sẽ tạo ra khả năng tốt hơn so với vaccine dựa trên các protein đơn lẻ, chẳng hạn như vaccine sốt rét RTS, S được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vào năm 2021, hiệu quả chỉ ở mức 30-40%.
Vaccine PfGAP3KO có thể kích thích các đáp ứng miễn dịch bảo vệ rộng và thời gian hiệu lực của nó lâu hơn.
Tiến sĩ Ashley Vaughan, Đại học Y khoa Washington, Mỹ và là đồng tác giả nghiên cứu kết luận: "Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với loại vaccine tiêm chủng mới này vào năm 2023".
Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y thế Thế giới WHO, ước tính có 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét và 627.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này trên toàn thế giới, tăng 14 triệu trường hợp mắc và 69.000 trường hợp tử vong so với năm trước.
Đáng chú ý, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 80% số ca tử vong này.
Cho đến nay bệnh sốt rét còn lưu hành tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 1,3 tỷ người sống trong các vùng sốt rét lưu hành.
Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, trong đó phổ biến là những người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, tạo điều kiện cho các vật chủ trung gian truyền bệnh sốt rét như muỗi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.