Hành tinh mà các nhà khoa học gọi là "quái vật vũ trụ" mất tới 14 năm để quay quanh sao mẹ và có nhiệt độ xuống đến -100 độ C.
Theo SciTech Daily, nhóm nghiên cứu dẫn đầu Đại học Nicolaus Copernicus (Ba Lan) đã tìm ra ngoại hành tinh khổng lồ nhờ vào dữ liệu của kính viễn vọng Hobby-Eberly đặt tại bang Texas - Mỹ và kính thiên văn Galileo đặt tại quần đảo Canary - Tây Ban Nha.
"Hành tinh quái vật" vừa được phát hiện quanh ngôi sao HD 118203 trong chòm Đại Hùng - (Ảnh: UMK).
Trong gần 20 năm qua, ngôi sao mẹ HD 118203 của hành tinh này đã được biết đến là có một hành tinh khá lớn quay xung quanh.
Đó là một hành tinh khí có khối lượng gấp đôi sao Mộc khổng lồ của Hệ Mặt trời, quay quanh sao mẹ trong một quỹ đạo hẹp chỉ bằng 6 ngày Trái đất. Tuy nhiên một số dấu hiệu cho thấy nó không đơn độc.
Vì vậy họ đã tìm kiếm và đã thấy được "hành tinh quái vật", một thế giới có khối lượng lên đến 11 lần sao Mộc, tức bằng khoảng 3.500 Trái đất cộng lại.
Nó được xếp loại là một "siêu sao Mộc lạnh", cũng là hành tinh khí và nhiệt độ ở đó có thể xuống tới -100 độ C.
Sự lạnh giá này phần lớn đến từ việc hành tinh mới được phát hiện nằm rất xa ngôi sao mẹ: Tận 6 đơn vị thiên văn (AU), tức xa gấp 6 lần khoảng cách Mặt trời - Trái đất.
Cả hai hành tinh của hệ sao mang tên HD 118203 thuộc chòm sao Đại Hùng này tuy quay ở vị trí rất xa nhau nhưng vẫn tương tác hấp dẫn khá chặt chẽ, không làm mất ổn định hệ thống trong quy mô hàng triệu năm.
Chỉ có hơn một chục hệ sao giống HD 118203 được biết đến, vì vậy phát hiện mới sẽ giúp các nhà khoa học có một "phòng thí nghiệm" tuyệt vời để nghiên cứu cách mà các hành tinh cực lớn được hình thành trong vũ trụ.
Nghiên cứu về "hành tinh quái vật" vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.