Trái đất của chúng ta là một "hành tinh quái vật" với những "bạn đồng hành" đáng sợ của khủng long

  •   4,52
  • 3.382

Các phát hiện cổ sinh vật học trong năm qua cho thấy Trái Đất không đơn thuần là một thế giới khủng long trong những kỷ Tam Điệp - Jura - Phấn Trắng, mà là một hành tinh quái vật vô cùng đa dạng.

1. Quái vật biển là họ hàng của khủng long, rắn, rồng

Loài thương long mới
Loài thương long mới - (Ảnh: Đại học Bath)

Pluridens serpentis, một loài mới mà hóa thạch vừa được khai quật ở Morocco trông như con cá heo khổng lồ và quái dị. Nó có bộ hàm dài, mảnh với hơn 100 chiếc răng sắc nhọn như nanh để ngoạm những con mồi nhỏ như cá và mực, thân hình dài tới 8 mét.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Bath (Anh) cho biết sinh vật này là một thương long (mosasaur) và có họ với khủng long, rắn, rồng.

2. Rùa quái thú

Ảnh đồ họa mô tả rùa quái thú khi mới nở
Ảnh đồ họa mô tả rùa quái thú khi mới nở - (Ảnh: Đại học Calgary)

Một nông dân Trung Quốc đã phát hiện ra những quả trứng lạ từ năm 2018 và tặng cho một trường đại học nhưng đến năm 2021, sự thật về nó mới được hé lộ. Những quả trứng thuộc về Yuchelys nanyagensis, một loài rùa "quái thú" đã tuyệt chủng cùng với toàn bộ khủng long trên Trái Đất trong thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.

Theo phó giáo sư Darla Zelenitsky từ Đại học Calgary ở Canada, thành viên nhóm nghiên cứu, phôi thai trong các quả trứng có niên đại lên tới 90 triệu năm, đã hình thành 85%. Các phôi thai giúp các nhà khoa học tính toán ra độ lớn của con trưởng thành: chỉ chiều dài mai đã lên tới 1,6 mét.

3. Dực long đầu rồng

 Thapunngaka shawi
Thapunngaka shawi - (Ảnh: Đại học Queensland)

Nghiên cứu công bố trên Journal of Vertebrate Paleontology của Đại học Queensland (Úc) giới thiệu một sinh vật bay khủng khiếp với sải cánh 7 mét, chiếc đầu dài 1 mét và bộ răng 40 chiếc sắc như dao cạo, nguy hiểm không thua gì cá sấu. Nó là một dực long (pterosaur), được đặt tên là Thapunngaka shawi. Còn các nhà khoa học thì ví nó như một con rồng ngoài đời thật.

4. Quái vật kỷ Jura 80 hàm, vẫn còn sống

 Cận cảnh quái vật 80 hàm
Cận cảnh quái vật 80 hàm - (Ảnh: Proceedings of the Royal Society B).

Ophiojura exbodi, có quan hệ họ hàng xa với sao biển, đã phân nhánh từ họ hàng gần nhất từ đầu kỷ Jura, sau đó giữ nguyên vẹn về mặt tiến hóa trong suốt 180 triệu năm.

Sinh vật được các nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp phát hiện lần đầu vào năm 2011 dưới vùng nước lạnh giá, tối tăm dưới đáy khu vực Nam Thái Bình Dương, sau đó mất nhiều năm để tìm thêm bằng chứng, định danh loài.

Đến tháng 6-2021, nghiên cứu đầy đủ về nó mới ra mắt trên Proceedings of the Royal Society B.

5. Ngư long khổng lồ

Cận cảnh hóa thạch ngư long dài 10 mét
Cận cảnh hóa thạch ngư long dài 10 mét - (Ảnh: Thiên nhiên nước Rutland)

Temnodontosaurus trigonodon có lẽ là hóa thạch ngư long (Ichthyosaur) lớn nhất thế giới. Quái vật này dài tới 10 mét, 180 triệu tuổi, được phát hiện tại Khu bảo tồn Thiên nhiên nước Rutland (Anh).

Ở Anh, ngư long còn được gọi bằng một cái tên mang màu thần thoại là "sea dragon", tức "rồng biển". Ngư long là loài đã tồn tại cùng khủng long suốt cả 3 kỷ Tam Điệp - Jura và Phất Trắng.

Cập nhật: 31/01/2022 Theo NLĐ
  • 4,52
  • 3.382