Các nhà thiên văn Thụy Sĩ phát hiện hành tinh thứ 9 có một lõi sắt rắn đặc được bao bọc bởi băng đá và lớp khí dày đặc.
Theo Science Alert, tháng 1/2016, Konstantin Batygin và Mike Brown, hai nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech), Mỹ, công bố bằng chứng về sự tồn tại của hành tinh mới nằm ở rìa ngoài hệ Mặt Trời, nặng gấp 10 lần Trái Đất. Hành tinh này cách Mặt Trời 149 tỷ km, xa hơn 75 lần so với sao Diêm Vương, và mất từ 10.000 đến 20.000 năm để quay một vòng quanh Mặt Trời.
Cấu tạo của hành tinh thứ 9. (Ảnh: Đại học Bern, Thụy Sĩ).
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý học thiên thể hôm 6/4, các nhà thiên văn Thụy Sĩ sử dụng dữ liệu có sẵn để tìm ra kích thước, độ sáng và nhiệt độ thực sự của hành tinh thứ 9. Họ xem xét quỹ đạo dự đoán của hành tinh này, và giả lập nó được hình thành từ đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời cách đây 4,6 tỷ năm.
"Nghiên cứu của chúng tôi giúp định hình tính chất vật lý cho ứng cử viên là hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời", Christoph Mordasini thuộc Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết.
Kết quả cho thấy, hành tinh thứ 9 giống một "sao Thiên Vương thu nhỏ" với một lõi sắt rắn chắc được bao quanh bởi băng đá và lớp khí dày đặc. Hành tinh này có bán kính lớn hơn Trái Đất 3,7 lần, nhiệt độ khí quyển bên trên là -226 độ C.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu Mặt Trời là nguồn cung cấp nhiệt duy nhất của hành tinh thứ 9 thì nó phải lạnh hơn rất nhiều, do ở cách xa Mặt Trời 149 tỷ km. Tại thời điểm hình thành hành tinh thứ 9, năng lượng hấp dẫn khổng lồ tạo ra trong phần lõi khiến nó nóng chảy suốt hàng tỷ năm. Nhiệt độ này góp phần vào nhiệt độ tổng thể của hành tinh.
Những bức xạ có thể phát hiện xung quanh hành tinh thứ 9 chủ yếu là tia hồng ngoại, do lượng nhiệt bên trong hành tinh tạo ra lớn hơn nhiều so với ánh sáng Mặt Trời nhận được.