Hành trình khám phá sao Diêm Vương

New Horizons là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận thành công sao Diêm Vương sau hành trình dài 9 năm, vượt gần 5 tỷ km, mở ra hướng nghiên cứu mới kể từ khi hành tinh lùn này được phát hiện năm 1930.

Lịch sử khám phá sao Diêm Vương

New Horizons được phóng vào 19/1/2006, tiếp cận thành công sao Diêm Vương hồi đầu tuần. Nó có nhiệm vụ vẽ bản đồ bề mặt sao Diêm Vương và vệ tinh là mặt trăng Charon, để tìm hiểu khí quyển của hành tinh lùn này và thực hiện đo đạc nhiệt độ.


Hình ảnh sao Diêm Vương được chụp từ tàu New Horizons. (Ảnh: ITN)

Lịch sử khám phá Diêm Vương tinh trải qua chặng đường dài, kể từ khi nó được nhà thiên văn học Clyde Tombaugh phát hiện năm 1930 đến nay. Lúc đó, các chuyên gia thế giới đã tổ chức một cuộc thi tìm kiếm tên gọi cho hành tinh mới. Cô bé Venetia Burney 11 tuổi ở Oxford, Anh, đã lựa chọn tên gọi Pluto cho hành tinh lùn này bởi nó tối và cách xa Trái Đất, giống tên vị thần Hades trong thần thoại Hy Lạp cổ đại (người La Mã gọi Hades là Pluto). Venetia sau đó nhận được số tiền thưởng trị giá 5 bảng Anh (khoảng 8 USD).

Sao Diêm Vương nhỏ hơn sao Thủy và 7 mặt trăng trong hệ Mặt Trời, bao gồm Ganymede, Titan, Callisto, Io, Europa, Triton và vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. 20 năm trong quỹ đạo 248 năm, sao Diêm Vương ở vị trí gần Mặt Trời hơn so với sao Hải Vương. Trong giai đoạn 1979-1999, sao Diêm Vương là hành tinh thứ 8 trong hệ Mặt Trời, hành tinh thứ 9 là sao Hải Vương.

Pluto là vị thần trong thần thoại cổ đại, nên vệ tinh chính của hành tinh này – Charon – được đặt tên theo người chở linh hồn qua sông Styx đến âm phủ. Các vệ tinh tự nhiên khác của nó có tên gọi Nix, Styx, Hydra và Kerberos. Một số nhà thiên văn học đưa ra giả thuyết rằng sao Diêm Vương chỉ là một vệ tinh "trốn thoát" của sao Hải Vương và tự thực hiện quỹ đạo riêng. Thời gian để ánh sáng Mặt Trời chiếu đến sao Diêm Vương là 5 giờ.

Nhà thiên văn học Clyde Tombaugh qua đời ngày 17/1/1997. Theo nguyện vọng cuối cùng của ông trước khi qua đời, tro cốt của Clyde đang du hành cùng tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).


Nhà thiên văn học người Mỹ Clyde Tombaugh. (Ảnh: Telegraph)

Con tàu thăm dò mang chiếc hộp nhỏ được in dòng chữ: "Đây là nơi lưu giữ tro cốt của Clyde W. Tombaugh, người phát hiện sao Diêm Vương và vùng thứ ba của hệ Mặt Trời."

Nhân vật chó Pluto trong phim hoạt hình của Disney được sáng tạo lần đầu tiên vào cùng năm Tombaugh phát hiện hành tinh lùn này. Venetia Burnley khẳng định rằng tên gọi cô bé nghĩ ra không liên quan đến đến nhân vật của Disney.

Năm 2005, các nhà khoa học tìm thấy một hành tinh lùn khác có tên Eris. Ban đầu, nó được xác định là thiên thể ngoài sao Hải Vương và hiện chưa rõ có thể được chấp nhận như một hành tinh mới hay không. Kể từ đó, hai thiên thể giống hành tinh khác đã được phát hiện.

Việc cố gắng quan sát sao Diêm Vương từ Trái Đất được ví giống như nhìn một quả óc chó từ khoảng cách gần 50 km.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video