Phóng thành công kính viễn vọng nghiên cứu vật chất tối

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa kính viễn vọng không gian Euclid của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) bay lên lúc 22h11 ngày 1/7 (giờ Hà Nội).


Kính viễn vọng không gian Euclid phóng lên nhờ tên lửa Falcon 9.

Vụ phóng diễn ra tại Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ. Những người theo dõi vỗ tay khi tên lửa Falcon 9 mang Euclid bay lên cao, với tầng đầu tiên của tên lửa tách ra và hạ cánh chính xác xuống một con tàu không người lái ở Đại Tây Dương chỉ sau khoảng 8 phút.

Euclid, được thiết kế để tìm kiếm năng lượng tối và vật chất tối vô hình, tách khỏi tên lửa khoảng 41 phút sau khi phóng và giờ đang trên đường tới điểm Lagrange 2, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km và ở phía ngược với Mặt trời. Điểm Lagrange là quỹ đạo tương đối ổn định, nơi các vệ tinh sử dụng ít nhiên liệu nhất. Đích đến của Euclid khá phổ biến. Ví dụ, Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA cũng hoạt động ở Lagrange 2.

Giới khoa học cho rằng vật chất tối và năng lượng tối tạo nên phần lớn vũ trụ, nhưng con người không thể thấy những hiện tượng này ở các bước sóng ánh sáng. Thay vào đó, giới chuyên gia có thể theo dõi chúng thông qua tác động của chúng lên những vật thể khác.

Các nhà khoa học tìm hiểu hoạt động của vũ trụ tối nhằm lập biểu đồ về tác động của thời gian đối với vũ trụ. Sự hợp nhất của các thiên hà, sự giãn nở của vũ trụ và chuyển động của những ngôi sao riêng lẻ đều chịu tác động của năng lượng tối và vật chất tối.


Minh họa kính viễn vọng Euclid hoạt động trong không gian. (Ảnh: ATG/ESA)

Euclid sẽ hướng tầm mắt đến những vùng bên ngoài dải Ngân Hà để lập bản đồ khoảng 1/3 vùng trời ngoài dải Ngân Hà. Trong nhiệm vụ kéo dài 6 năm, kính viễn vọng này sẽ lập bản đồ hàng tỷ mục tiêu như các thiên hà và ngôi sao. Hai dụng cụ khoa học của Euclid, tập trung vào các bước sóng ánh sáng khả kiến và hồng ngoại, sẽ ghi lại thông tin cho giới khoa học.

Nhiệm vụ sẽ khám phá chuyển động và thành phần hóa học của những vật thể xa xôi. "Đôi mắt" sắc bén của Euclid mang lại hình ảnh rõ nét gấp ít nhất 4 lần so với kính viễn vọng dưới mặt đất vì nó cách xa ánh sáng và khí quyển gây nhiễu của Trái đất.

Dự án Euclid trị giá khoảng 1,5 tỷ USD và được thực hiện suốt gần hai thập kỷ. Kính viễn vọng này sẽ mất khoảng 30 ngày để tới Lagrange 2. Các chuyên gia chưa công bố thời điểm chụp bức ảnh khoa học đầu tiên, nhưng ước tính khoảng vài tháng nữa.

Cập nhật: 03/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video