Một cuộc tìm kiếm trong nhiều năm đã cố gắng giải thích một trong những trường hợp khắc nghiệt nhất, và khó khăn nhất, về sự sống của con người.
Núi Rokkō ở thành phố Kobe của Nhật Bản là một thắng cảnh thiên nhiên, với những ngọn đồi nhấp nhô cùng những con đường mòn dài và tầm nhìn tuyệt vời ra Vịnh Osaka. Mỗi năm, đỉnh núi cao 914 mét này sẽ ngập tràn trong sắc lá đỏ, vàng và cam vào mùa thu, khiến nó trở thành điểm đến nổi tiếng cho các bữa tiệc nướng và vui chơi của giới trẻ.
Vào tháng 10 năm 2006, Mitsutaka Uchikoshi, một công chức 35 tuổi, đã đi dã ngoại với một nhóm bạn lên núi Rokkō. Sau một ngày ăn uống và trò chuyện nơi đỉnh núi, những người bạn của Uchikoshi quyết định đi cáp treo để xuống chân núi và về nhà. Uchikoshi thì chọn leo xuống một mình, bằng cách đi dọc theo một trong những con đường mòn.
Sau đó anh ta biến mất.
Trên đường đi xuống, Uchikoshi bị trượt chân khiến anh ngã đập đầu và gãy xương chậu. Không thể cử động hay kêu cứu, người đàn ông bị thương này chỉ có thể nằm trên sườn núi. Vào ban đêm, cái lạnh mùa thu ở đây khiến nhiệt độ xuống tới 10 độ C, với sương rét len lỏi vào tận xương tủy. Anh đã ngất đi.
24 ngày sau, anh được một người leo núi đi ngang qua tìm thấy và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Y tế Thành phố Kobe. Thời điểm đó, thân nhiệt của Uchikoshi hạ xuống rất thấp, cả người anh lạnh ngắt khi chạm vào. Nhiều cơ quan nội tạng của anh đã bị hỏng. Theo các báo cáo tin tức vào thời điểm đó, các bác sĩ chăm sóc cho Uchikoshi lý giải rằng người đàn ông này đã rơi vào trạng thái "tương tự như ngủ đông".
Câu chuyện này đã nhanh chóng cuốn hút các nhà khoa học, bởi 2 lý do:
Đầu tiên, đó là một câu chuyện về sự sống sót siêu phàm. Uchikoshi đã vượt qua những cơn đau bởi gãy xương, cái lạnh cóng và mức độ đói cực độ, những thứ đáng lẽ đã giết chết anh ta. Nhưng anh không chỉ sống sót mà còn được xuất viện sau 50 ngày mà không có tổn thương kéo dài. Nếu các bác sĩ của anh ấy đúng, chắc chắn có điều gì đó đã thay đổi trong não của Uchikoshi, tạo điều kiện cho cơ thể anh ấy bước vào một giai đoạn ngưng trệ chưa từng có. Nhưng, chính xác đó là gì?
Thứ hai là chính bản thân câu chuyện. Các bác sĩ tại bệnh viện Kobe thậm chí đã tin rằng Uchikoshi không còn sống khi được đưa tới. Hàng loạt thông tin ghi nhận được cho thấy đây thực sự là trạng thái ngủ đông. Một số người cho rằng kỳ tích này là không thể, về mặt sinh lý học. Nhưng sau khi Uchikoshi được xuất viện, báo giới và các nhà khoa học dường như đã quên đi trường hợp của anh. Không có báo cáo nào trong các tài liệu khoa học về việc chính xác điều gì đã giúp người đàn ông này sống sót và cũng không có lời giải thích nào cho sự bền bỉ phi thường của ông trên đỉnh núi. Tuy nhiên, câu chuyện của người đàn ông Nhật Bản này vẫn là một trong những ví dụ được trích dẫn phổ biến nhất về khả năng ngủ đông tiềm ẩn của con người.
Điều gì thực sự đã xảy ra với Mitsutaka Uchikoshi trên ngọn núi đó vào năm 2006?
Để hiểu được những thách thức mà người đàn ông này đã phải đối mặt trên núi, chúng ta có thể tìm hiểu qua cách các nhà khoa học đang sử dụng việc hạ thân nhiệt để tạo ra trạng thái tạm dừng sinh học (suspended animation) ở những bệnh nhân chấn thương nặng. Và đó cũng là hướng đi của các công ty bay vũ trụ trong việc xây dựng chế độ ngủ đông trong các chuyến du hành liên hành tinh, vượt ra ngoài quỹ đạo của mặt trăng và sao Hỏa. Đồng thời, khám phá cách các nhà khoa học thần kinh làm sáng tỏ những bí ẩn hóa học bên trong bộ não để kích hoạt trạng thái giống như ngủ đông ở các động vật có vú khác.
Những chú chó thây ma
Năm 1999, một số nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Hồi sức Safar tại Đại học Pittsburgh đã gửi một đàn chó săn sang thế giới bên kia.
Sau đó, họ mang chúng quay trở lại.
Thí nghiệm này sau đó được đặt tên là "Những chú chó thây ma", khi chúng được công bố trên mặt báo của tờ Thời báo New York vào năm 2005. Nó cũng đã chứng minh rằng hệ thống tuần hoàn được làm mát nhanh chóng có thể khiến những con chó rơi vào trạng thái tạm dừng sinh học.
Trong quy trình của Trung tâm Safar, máu của những con chó được rút ra khỏi cơ thể của chúng và từ từ được thay thế bằng một dung dịch muối lạnh cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy cơ bản. Không có máu, tim của những con chó ngừng đập và não của chúng cũng ngừng hoạt động. Đó gọi là hiện tượng chết lâm sàng. Các nhà nghiên cứu đã loại bỏ dịch nước muối lạnh và đưa máu ấm trở lại sau đó 60 phút. Những con chó sau những cú giật sốc bằng điện mạnh đã được hồi sinh. Phần lớn chúng không bị tổn thương não.
Đây là một trong những thí nghiệm sâu sắc nghiên cứu về "liệu pháp hạ thân nhiệt", một phương pháp đã trở nên phổ biến ở các bệnh viện trên thế giới đối với một số bệnh lý, chẳng hạn như đau tim và chấn thương não do thiếu oxy. Nếu chúng ta coi bộ não giống như một chiếc máy tính, thì liệu pháp hạ thân nhiệt cho phép nó rơi vào chế độ chờ, giữ cho nó được cung cấp năng lượng nhưng ngăn nó bị tắt hoàn toàn. Điều này giúp các bác sĩ có thời gian sửa chữa và khởi động lại bệnh nhân.
Nghiên cứu về những chú chó thây ma đã mở ra khả năng mới, cho phép những bệnh nhân chấn thương, những người có thể nhanh chóng mất hàng lít máu do vết đâm hoặc vết thương do đạn bắn, có thể tránh tử vong nếu cơ thể của họ được hạ thân nhiệt hiệu quả.
Bí ẩn khoa học về điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được tìm hiểu rõ. Tế bào của chúng ta sử dụng oxy để tạo ra năng lượng. Trong những trường hợp bình thường, tim bơm máu đi khắp cơ thể. Ở những bệnh nhân chấn thương, mất máu dẫn đến ngừng tim và các tế bào nhanh chóng bị đói và chết. Lúc này, việc hạ thân nhiệt cơ thể xuống một vài độ khiến các tế bào hoạt động chậm lại, do đó chúng cần ít năng lượng hơn và ít oxy hơn.
Vào năm 2016, trong một thử nghiệm lâm sàng được Cục quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, một nhóm các bác sĩ phẫu thuật tại Trường Y Đại học Maryland, do tiến sĩ Samuel Tisherman dẫn đầu, đã bắt đầu điều tra xem thủ thuật này có thể giúp những bệnh nhân sống sót như thế nào. Người ta hy vọng rằng quy trình - được gọi là Bảo tồn và Hồi sức Cấp cứu - sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót cho những bệnh nhân chấn thương mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho não của họ.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng quy trình này có hiệu quả ở lợn, nhưng thử nghiệm trên người của Tisherman sẽ không hề dễ dàng. Nó yêu cầu bệnh nhân đến khoa cấp cứu khi các bác sĩ chuyên môn, như Tisherman, đang ở bên trong và sẵn sàng thực hiện thủ thuật. Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra cách đây hơn một thập kỷ, nhưng nó chỉ mới đạt được một cột mốc quan trọng gần đây, khi ghi danh bệnh nhân đầu tiên và đặt người đó tạm thời vào trạng thái "tạm dừng sinh học" vào tháng 11 năm 2019. Dự kiến sẽ có 10 người được ghi danh sau khi thử nghiệm hoàn thành.
Kết quả đầy đủ của thử nghiệm vẫn đang chờ xử lý và đã bị trì hoãn hai lần, một phần bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện nó dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm 2023, theo cơ sở dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng của Mỹ.
Vậy đây có phải là một câu trả lời tiềm năng cho vận may của Uchikoshi. Hạ thân nhiệt có góp phần vào việc sống sót thần kỳ của anh ấy? Có khả năng. Nếu Uchikoshi trải qua một dạng hạ thân nhiệt buộc bộ não của anh ta phải chuyển sang chế độ chờ, nó có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và giảm lượng năng lượng mà anh ta cần nhận được từ thức ăn và nước uống.
Tuy nhiên, so với hơn 20 ngày của Uchikoshi, các thử nghiệm lâm sàng hiện chỉ cố gắng giữ cho bệnh nhân ở trạng thái ngừng hoạt động trong vài phút hoặc nhiều nhất là một giờ hoặc lâu hơn - đủ lâu để các bác sĩ xử lý chấn thương. Như Tisherman nói với tờ New Scientist vào năm 2019: "Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không cố gắng đưa mọi người lên Sao Thổ."
Nhưng thời gian dài không hoạt động của Uchikoshi và sự phục hồi sau đó cho thấy một tương lai như vậy có thể xảy ra.
Lên Mặt trăng hoặc sao Hỏa
Ở vị trí gần nhất, sao Thổ nằm cách Trái đất khoảng 1,2 tỷ km. Một cuộc hành trình của phi hành đoàn đến hành tinh này có thể mất tới 5 năm và đòi hỏi nguồn tài nguyên khổng lồ để chứa, cung cấp thức ăn và nhu cầu giải trí cho các phi hành gia. Nhưng sẽ không cần thiết nếu bạn có thể đưa các hành khách vào trạng thái giống như ngủ đông.
Các chuyến bay ngắn thường gây ra một số rủi ro cho các phi hành gia, nhưng nhiều thập kỷ tới trong tương lai, con người có thể dành nhiều tháng hoặc nhiều năm để phiêu lưu xa hơn vào không gian, xa hơn cả mặt trăng và sao Hỏa.
Trong những chuyến du hành dài, nguy cơ sinh học lẫn vật lý mà các thành viên phi hành đoàn phải đối mặt là rất nhiều. Bức xạ vũ trụ liên tục chiếu vào cơ thể, sự cô lập cường độ cao sẽ tàn phá tâm trí, và tình trạng không trọng lực sẽ khiến cơ và xương bị tiêu hao.
“Từ nghiên cứu trên động vật, người ta biết rằng ngủ đông có thể giảm thiểu và ảnh hưởng tích cực đến cả ba vấn đề này”, Jennifer Ngo-Anh, một nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho biết.
Động vật ngủ đông, như dơi và nhím, không bị thoái hóa cơ hoặc xương. Các động vật khác, như gấu, đi vào trạng thái giống như ngủ đông được gọi là Torpor. Torpor được định nghĩa về cơ bản là trạng thái ngủ đông không tự nguyện mà các sinh vật buộc phải bước vào để tồn tại trong các môi trường khắc nghiệt, không có nguồn năng lượng như thức ăn và nước uống. Về cơ bản nó là phiên bản đơn giản của chế độ ngủ đông.
Nếu có thể làm sáng tỏ lý do tại sao động vật làm điều này và hiểu cách tạo ra Torpor ở người, chúng ta có thể ngăn chặn và giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất liên quan đến việc rời khỏi Trái đất trong thời gian dài.
“Đây là công nghệ thay đổi cuộc chơi", John Bradford, chủ tịch kiêm CTO của SpaceWorks Enterprises, một công ty kỹ thuật có trụ sở tại Atlanta, Mỹ cho biết. Bradford tin rằng khả năng hạ thân nhiệt và đưa con người vào trạng thái tạm dừng sinh học sẽ cho phép chúng ta "thực sự đạt được điều gì đó trong không gian."
Bradford và nhóm của ông đã nghiên cứu về chế độ ngủ đông của con người từ năm 2012 và nhận được tài trợ vòng hai vào năm 2016 thông qua một chương trình của NASA. Ý tưởng của họ là tạo ra và điều chỉnh trạng thái Torpor ở các phi hành gia bằng cách sử dụng các nguyên tắc trong điều trị hạ thân nhiệt.
“Hạ thân nhiệt trong trị liệu không có gì quá nghiêm trọng như những gì chúng ta thấy trong phim", Bradford cho biết. "Bạn luôn thấy ai đó đi vào trạng thái tạm dừng sinh học trong 100 năm hay gì đó. Chúng tôi không cần tới mức đó."
Thay vào đó, SpaceWorks đã đề xuất một phương pháp được đặt tên là torpor tổng hợp. Theo đó, một sứ mệnh lý thuyết lên sao Hỏa sẽ chứng kiến các phi hành gia phải trải qua thời gian ngủ đông tối đa 14 ngày. Sau đó, họ sẽ được đánh thức, mất vài ba ngày để phục hồi trạng thái ban đầu, rồi lại tiếp tục ngủ đông. Chu kỳ này sẽ lặp lại và kéo dài cho đến hết hành trình.
“Bằng cách chia nhỏ nó ra, những thách thức sẽ giảm đi đáng kể. Mô hình ngủ đông trong ca làm việc có nghĩa là sẽ luôn có một thành viên của phi hành đoàn tỉnh táo trong suốt hành trình kéo dài hơn 200 ngày, từ đó giải quyết các mối lo ngại về an toàn hoặc bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào có thể xảy ra", Bradford nói.
Bradford cho biết torpor tổng hợp có thể là chìa khóa để thiết lập các thuộc địa trên mặt trăng, nếu chúng ta muốn đi con đường đó. Sẽ không cần phải đưa các phi hành đoàn nhỏ lên mặt trăng, thay vào đó có thể gửi toàn bộ một cộng đồng, dù điều đó khiến vấn đề cơ sở hạ tầng sẽ trở nên phức tạp hơn. "Nếu bạn muốn gửi một nghìn người, ba ngày không phải là vấn đề dễ dàng", ông nói.
Nhưng torpor có thể là câu trả lời. Theo ông, có thể đưa mọi người vào trạng thái trao đổi chất thấp trên Trái đất, khởi động con tàu, hạ cánh trên mặt trăng, sau đó đánh thức mọi người thức dậy vài ngày sau đó.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của chế độ ngủ đông vẫn còn quá thô sơ để có thể sớm đạt được những gì mà Bradford đề xuất. Con người về bản chất không được phép ngủ đông. Cơ thể chúng ta không được xây dựng theo cách vận hành như vậy. Sự sống sót của Uchikoshi trên ngọn núi Nhật Bản là một ngoại lệ, không phải là tiêu chuẩn, mặc dù nó có khả năng cho thấy không có tác động kéo dài của một trạng thái như torpor tổng hợp.
Và một số nghiên cứu gần đây cho thấy chìa khóa để gây ra trạng thái như vậy có thể xảy ra, bằng cách điều chỉnh một nhóm tế bào chuyên biệt, nằm gọn trong vùng điều chỉnh nhiệt độ của não.
Câu hỏi về tế bào thần kinh Q
Chuột không phải là loài ngủ đông tự nhiên, nhưng chúng có khả năng làm chậm quá trình trao đổi chất một cách đáng kể khi thức ăn khan hiếm. Đó cũng có thể gọi là trạng thái torpor.
Các nhà nghiên cứu đã có thể tận dụng điều kỳ lạ về mặt sinh lý này và gây ra trạng thái torpor ở các loài gặm nhấm trong phòng thí nghiệm bằng cách hạn chế lượng thức ăn của chúng hoặc giảm nhiệt độ của chuồng nuôi. Các biện pháp can thiệp giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội khám phá ra cơ chế đằng sau những trạng thái này, đặc biệt là liên quan đến những thay đổi xảy ra trong não.
Hai nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2020, đã kiểm tra cách các cụm tế bào não, hoặc tế bào thần kinh, liên kết với các trạng thái giống như ngủ đông và ngủ đông ở loài gặm nhấm. Cả hai nhóm đều tập trung vào một vùng não được gọi là vùng dưới đồi, với một nhóm các tế bào chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ. Và họ tìm thấy các quần thể khác biệt mà chúng có thể liên kết với nhau.
Một nhóm, do Takeshi Sakurai, nhà nghiên cứu tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, dẫn đầu, tập trung vào một tập hợp các tế bào não liên quan đến mạch nhiệt độ phức tạp của não. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho nhóm tế bào này là tế bào thần kinh Q. Sử dụng chuột biến đổi gen, Sakurai và nhóm nghiên cứu có thể kiểm soát các tế bào này, tiêm một loại thuốc vào chuột để kích hoạt các tế bào, giống như việc bật công tắc.
Việc kích hoạt tế bào thần kinh Q đã làm giảm nhiệt độ cơ thể của chuột từ 36 độ C xuống thấp nhất là 22 độ C. Nhịp tim và hô hấp của chúng chậm lại. Chuột được duy trì ở trạng thái giống như ngủ đông này trong hai ngày - đôi khi thậm chí lâu hơn. Sau khi các tế bào thần kinh Q bị tắt, nhóm của Sakurai đã kiểm tra nội tạng của những con chuột và không tìm thấy sự thay đổi rõ ràng nào đối với não, tim, gan hoặc thận.
Hạ thân nhiệt thường gây ra hiện tượng run rẩy và cuối cùng là mất ý thức, nhưng Sakurai tin rằng sự hạ thân nhiệt do tế bào thần kinh Q (QIH), lại không khiến những con chuột "cảm thấy lạnh". Thay vào đó, nó "thay đổi trạng thái của cơ thể", theo nhà nghiên cứu này. Các tế bào não này sẽ báo hiệu cho các hệ thống cơ quan và hormone khác để thực hiện việc điều chỉnh, đánh lừa cơ thể rơi vào trạng thái tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm nhu cầu trao đổi chất.
“Đối với một con chuột trong điều kiện QIH, nhiệt độ cơ thể 22 độ C là một trạng thái thoải mái", Sakurai cho biết.
Động vật gặm nhấm không tự nhiên ngủ đông, vì vậy việc mở khóa tiềm năng này là một bước tiến nhảy vọt trong việc tìm hiểu hệ thống điều khiển của não. Sakurai cho biết nhóm nghiên cứu có khả năng sẽ nghiên cứu những con sóc đất marmot bụng vàng, một loài có thể bước vào trạng thái ngủ đông tự nhiên, để xem liệu việc thao túng tế bào thần kinh Q có dẫn đến những hiệu ứng tương tự như họ đã thấy ở chuột hay không.
Genshiro Sunagawa, đồng tác giả của luận văn từ viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản, cho biết nhóm nghiên cứu muốn xem xét các mô và cơ quan riêng lẻ trong trạng thái ngủ đông do tế bào thần kinh Q gây ra để hiểu chính xác quá trình trao đổi chất của chúng bị chậm lại như thế nào. Điều này có thể dẫn đến những cách thức như nhắm mục tiêu để đưa các cơ quan riêng lẻ vào trạng thái tạm dừng sinh học. Ông nói: “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến y học tái tạo hoặc y học cấy ghép."
Nghiên cứu cũng nêu bật các cơ chế tiềm năng có thể dẫn đến trạng thái giống như ngủ đông của trường hợp Uchikoshi. Không thể biết bộ não của anh ấy đã bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian ở trên núi, nhưng nếu tế bào thần kinh Q hoạt động, có lẽ chúng đã đánh lừa cơ thể rằng 10 độ C không thực sự nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí rất thoải mái.
Tuy nhiên, tế bào thần kinh Q có thể chỉ là một phần của phương trình. Một nghiên cứu khác, tiến hành bởi nhà sinh học thần kinh của Đại học Harvard, Sinisa Hrvatin, đã xem xét các tế bào thần kinh ở một phần khác của vùng dưới đồi. Sự kích hoạt của các tế bào này, được gọi là tế bào thần kinh avMLPA, gây ra hiện tượng torpor ở chuột. Về cơ bản, hai nghiên cứu chỉ ra rằng việc kích thích các vùng tương tự của não là đủ để loài gặm nhấm chìm vào giấc ngủ sâu.
Nhưng bộ não là một hệ thống mạch hỗn loạn với các xung điện không ngừng. Chỉ phát hiện ra các cụm tế bào dường như thay đổi trạng thái sinh lý của cơ thể là không đủ để kích hoạt chế độ ngủ đông ở người một cách đáng tin cậy.
“Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu cách động vật xâm nhập, điều chỉnh và tồn tại ở những trạng thái này và liệu chúng có thể được gây ra một cách an toàn ở các động vật có vú khác - bao gồm cả con người hay không", Hrvatin cho biết.
Cả hai nhà nghiên cứu Sunagawa và Sakurai đều biết tới câu chuyện về Mitsutaka Uchikoshi. Nhưng các thông tin họ biết đều rất cơ bản. Nhưng may mắn thay, vẫn có người hiểu rõ về câu chuyện này hơn tất cả.
Bóng ma của núi Rokkō
Có hai bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho Uchikoshi vào năm 2006. Và cả hai đã theo đuổi vấn đề này trong hơn một thập kỷ.
Bác sĩ chính là Takeya Minami, một chuyên gia tim mạch. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 2021, ông nói rằng vụ việc đã có "ảnh hưởng khá lớn đến sự nghiệp của mình". Kể từ khi Uchikoshi được đưa vào bệnh viện 16 năm trước, ông đã cố gắng làm sáng tỏ những gì đã xảy ra trên núi Rokkō. Ông đã trình bày vấn đề này tại các hội nghị, nói chuyện với các chuyên gia về hormone, trao đổi chất, kiểm soát nhiệt độ cơ thể và khoa học thần kinh để cố gắng tìm hiểu cách Uchikoshi sống sót.
“Điều này rất quan trọng đối với lĩnh vực y học trong việc làm sáng tỏ trường hợp cụ thể này,” Minami nói.
Cụ thể, khi Uchikoshi đến bệnh viện, anh đã được đưa đến phòng cấp cứu, nơi có các bác sĩ bao gồm Minami và một bác sĩ khác, Daisuke Mizu. Kết quả đo nhiệt kế trực tràng khi đó cho thấy nhiệt độ lõi của Uchikoshi chỉ là 22,4 độ C. Đó là lạnh hơn khoảng 15 độ so với bình thường. Mizu nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tình trạng hạ thân nhiệt có thể trở nên tồi tệ như vậy."
Minami và Mizu đã giúp làm ấm lại cơ thể của Uchikoshi bằng cách tắm cho anh bằng nước ấm, nhưng gần như ngay lập tức anh đã bị ngưng tim. Điều này thường xảy ra đối với những bệnh nhân bị hạ thân nhiệt vì cảm lạnh, dẫn đến nhịp tim bị rối loạn. Nhóm bác sĩ đã thực hiện hô hấp nhân tạo trong hơn hai giờ, tới khi cơ thể anh từ từ ấm trở lại và cuối cùng, tim của Uchikoshi bắt đầu tự đập trở lại.
Các kiểm tra sau đó xác nhận rằng Uchikoshi đã bất động trong suốt thời gian dài, loại bỏ khả năng anh có thể di chuyển quanh núi. Chụp X-quang cho thấy xương hông của anh bị gãy và nó đã bắt đầu lành vào thời điểm anh được cứu. Bụng anh hoàn toàn trống rỗng. Anh ấy cũng bị ve cắn ở chân và da bị cháy nắng, đặc biệt là chỗ tay đã đưa lên để che chắn ánh sáng trước khi bất tỉnh.
Minami nói rằng ông "chỉ đơn giản là ngạc nhiên" khi thấy Uchikoshi sống sót và không có vấn đề sức khỏe kéo dài. Nhưng trường hợp này nằm ngoài tiêu chuẩn nên nó vẫn khiến ông bối rối. Anh đã kiểm tra lại mọi dữ liệu sinh lý, nghiên cứu các kiểu thời tiết trên núi và sử dụng cả mô phỏng máy tính để tái tạo lại những gì đang xảy ra trong cơ thể của Uchikoshi trong suốt thử thách sinh tử.
Với tất cả những gì ông học được, Minami cho rằng nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân có thể đã giảm xuống trong những ngày sau khi anh ấy mất tích và bị ngã. Khi Uchikoshi bất tỉnh, não đã tiếp quản, làm chậm tốc độ trao đổi chất cơ bản đến mức có thể bảo tồn năng lượng và giữ cho các cơ quan của anh ta hoạt động. Sau khi thảo luận về trường hợp này với các đồng nghiệp trong nhiều năm, Minami đã giải quyết một câu trả lời hơi mơ hồ.
"Tôi không thể nói rằng trường hợp này chắc chắn là do ngủ đông", ông nói, nhưng gọi nó là một tình trạng "giống như torpor".
Một giấc mơ về giấc ngủ sâu
Đôi khi những câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu vẫn tiếp tục khiến các nhà khoa học ngạc nhiên.
6 năm sau khi Uchikoshi bước ra khỏi bệnh viện Kobe, một trường hợp sinh tồn phi thường khác được đưa ra ánh sáng. Một người đàn ông Thụy Điển 44 tuổi đã bị mắc kẹt 2 tháng bên trong ô tô của mình trong một trận bão tuyết, dưới một lớp tuyết dày, với nhiệt độ bên ngoài lên tới -30 độ C. Anh ta nói với cảnh sát rằng mình đã không có thức ăn, nhưng đã ăn tuyết để tồn tại.
Các bác sĩ của người này cũng choáng váng như những người từng ở bệnh viện Kobe, cho rằng cơ thể người đàn ông có thể đã thích nghi với nhiệt độ mát hơn bên trong xe hơi, khiến thân nhiệt giảm xuống dưới mức bình thường trong một nỗ lực tiết kiệm năng lượng.
Tóm lại, từ những con chó thây ma đến người đàn ông sống sót ở Thụy Điển đã cho thấy khả năng của cơ thể trong việc phản ứng với sự thay đổi của nhiệt độ. Một buổi tối mùa đông se lạnh có thể truyền cảm hứng cho những phản ứng tiềm thức như nổi da gà và rùng mình. Nhưng có vẻ như con người vẫn giữ được một số khả năng đặc biệt để tiến xa hơn nữa, rơi vào trạng thái tạm dừng sinh học mà không có tác động tiêu cực kéo dài, trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Nhưng chính bản thân bác sĩ Minami sau đó cũng mất dấu Uchikoshi. Mặc dù người đàn ông này đã thường xuyên đến bệnh viện Kobe trong hai năm sau tai nạn của mình, nhưng từ năm 2008 trở đi, không ai biết chuyện gì đã xảy ra với anh ta.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu: Điều gì đã thực sự xảy ra với Uchikoshi trên núi vào năm 2006? Rõ ràng, chúng ta vấn chưa có câu trả lời. Không có cách nào để biết chính xác bộ não và cơ thể của anh đã phản ứng như thế nào khi bất tỉnh trong hơn ba tuần. Có lẽ các nhà khoa học cũng không có cơ hội học được gì từ cách anh ta đã thoát khỏi số phận của mình. Tất cả những gì chúng ta biết chắc chắn là anh ta đã sống sót.
Nhưng tới hiện tại, giấc mơ về một giấc ngủ đông của con người vẫn còn tồn tại. Trong một vài thập kỷ nữa, những kỳ tích như của Uchikoshi có thể không chỉ là những giấc ngủ ngắn không tự chủ. Thay vào đó, chúng ta có thể bị hạ nhiệt một cách có chủ ý trong nhiều giờ sau một tai nạn đau thương, cho bác sĩ thời gian để chữa bệnh hoặc rơi vào những đợt ngưng trệ trao đổi chất kéo dài hàng tháng để vượt qua hành trình trên đường tới sao Hỏa và xa hơn nữa.
Có lẽ, trong những khoảnh khắc đó, cuối cùng chúng ta cũng sẽ hiểu được chuyện gì đã xảy ra với Mitsutaka Uchikoshi.