Hạt vi nhựa - Hiểm họa khôn lường đối với đại dương

Đại dương đang phải đối mặt với những hiểm họa từ rác thải nhựa, dây thừng nilon được sử dụng trên các tàu đánh bắt cá là một trong những nguyên nhân.

Vi nhựa đại dương là những hạt hoặc sợi nhựa nhỏ trôi lơ lửng trong dòng nước, chúng vô tình trở thành thức ăn cho nhiều loài cá và sinh vật biển. Khi những con cá này bị con người đánh bắt hoặc động vật khác ăn phải, các hạt vi nhựa tiếp tục di chuyển sang cơ thể sống mới. Đây là một vòng tuần hoàn không chỉ tạo ra mối đe dọa không chỉ với sức khỏe con người mà cho nhiều loại động vật.

Phải nói thêm rằng, theo thời gian, sự tích lũy hạt vi nhựa trong cơ thể động vật có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe của chúng như làm tắc khí quản gây ngạt thở, tác động xấu tới hệ tiêu hóa, đây chỉ vài trong nhiều nguyên nhân khiến các loại động vật có thể tử vong vì rác thải nhựa.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một lượng lớn hạt vi nhựa trên trôi nổi trên đại dương đến từ bao bì nhựa và một số loại rác thải nhựa. Các nguồn khác bao gồm sợi dệt tổng hợp đi vào dòng nước thải từ các nhà máy, hay hạt cao su rơi ra từ lốp ôtô, tất cả chúng đều theo dòng nước thải tiến ra sông, sau đó ra biển.


Các hạt vi nhựa trên đại dương đến từ hành động xả thải rác nhựa bừa bãi của con người.

Trong nghiên cứu mới đây của Đại học Plymouth's (Anh), việc sử dụng dây thừng được làm từ các loại sợi tổng hợp (đa số là sợi nilon) trong ngành đánh bắt hải sản có thể đang tạo ra hàng tỷ hạt vi nhựa trên đại dương mỗi năm. Nghiên cứu của Plymouth's còn tiến hành thí nghiệm trên nhiều loại dây thừng khác nhau để có được một đánh giá khách quan nhất.

Dựa trên những thí nghiệm thực địa và các mô phỏng trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học xác định những sợi dây thừng nilon mới và đã qua sử dụng trong vòng 1 năm có thể giải phóng khoảng 20 mảnh vi nhựa vào đại dương cho mỗi mét được kéo đi.

Khi sợi dây càng dùng lâu thì các hạt vi nhựa càng tăng lên đáng kể, trung bình mỗi mét sẽ có khoảng 720 hạt vi nhựa rơi xuống đại dương, con số này sẽ tăng lên 760 đối với dây thừng 10 năm tuổi.

Với những con số đó, người ta ước tính rằng sợi dây mới dài 50m có khả năng giải phóng từ 700 đến 2.000 mảnh vi nhựa mỗi lần nó được kéo. Đối với những sợi dây cũ hơn, con số có thể lên tới 40.000 mảnh.

Với hơn 4.500 tàu đánh cá đang hoạt động ở Anh, ước tính mỗi năm đại dương sẽ phải hứng chịu khoảng từ 326 triệu đến 17 tỷ hạt vi nhựa từ hoạt động đánh bắt hải sản.

Tiến sĩ Imogen Napper, một nhà nghiên cứu khoa học thuộc Đại học Plymouth's cho biết: "Những ước tính này được tính toán sau khi những sợi dây phải kéo một vật nặng 2,5kg. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động đánh bắt hải sản sẽ phải vận chuyển tải trọng nặng hơn nhiều, tạo ra nhiều ma sát hơn và có khả năng sẽ có nhiều hạt vi nhựa hơn. Điều đó làm tăng thêm nhu cầu bức thiết đối với các tiêu chuẩn về bảo trì, thay thế và tái chế dây thừng nilon trong ngành hàng hải. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đổi mới thiết kế một mẫu dây thừng mới thân thiện hơn với môi trường".

Đại học Plymouth là trường đầu tiên nêu bật vấn đề toàn cầu của hạt vi nhựa đại dương, và từng giành được Giải thưởng kỷ niệm của Nữ hoàng cho Giáo dục Đại học vào năm 2019.

Trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học ở Đại học Plymouth cũng đã chỉ ra những thiệt hại lâu dài về sản lượng đánh bắt của ngư dân, để họ có nhận thức sâu sắc về khả năng rác thải biển có thể gây ra thiệt hại lâu dài đến sản lượng đánh bắt của họ.


Các hạt vi nhựa xuất hiện ở những sợi dây thừng đã qua sử dụng.

Giáo sư Richard Thompson OBE FRS, Trưởng Đơn vị Nghiên cứu về rác biển Quốc tế, cho biết:

“Trong nhiều thế kỷ, hầu hết các vật dụng trong ngành đánh bắt hải sản bao gồm dây thừng và lưới được sản xuất bằng tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô lớn trong sản xuất nhựa kể từ những năm 1950 đã dẫn đến việc nhựa dần dần thay thế các sản phẩm tự nhiên của chúng.

Tuy nhiên, độ bền của nhựa đã dẫn đến một thách thức lớn về môi trường khi các vật dụng hết tuổi thọ hoặc như trong nghiên cứu này, khi chúng xuất hiện các hạt vi nhựa. Tuy nhiên, nghiên cứu này nhấn mạnh đến một nguồn vi nhựa chưa được xác định trước đây nhưng nó đang tăng lên một mức đáng kể. Điều này khiến cho chúng ta cần nghĩ sự thay đổi lâu dài và tích cực”.

Có thể thấy những hạt vi nhựa từ các loại dây thừng nilon được sử dụng trên các tàu đánh cá đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường đại dương. Vậy nên mỗi ngư dân cần nâng cao ý thức bảo vệ biển khi ra khơi, hành động này sẽ đảm bảo sinh kế lâu dài.

Cập nhật: 24/11/2021 Theo VTC
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video